Bảo vệ rạn san hô tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
Mô hình hay
Các Tổ Khai thác kết hợp Bảo vệ nguồn lợi hải sản được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là nguồn lợi san hô, trên cơ sở cho ngư dân hoạt động các nghề hợp pháp tăng thu nhập ở tuyến bờ. Các tổ viên có nhiệm vụ ngăn chặn, thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng như Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản, UBND phường về các hành vi vi phạm đến nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi san hô và hệ sinh thái trong vùng thả phao bảo vệ; tuyên truyền cho ngư dân trong cộng đồng cùng bảo vệ nguồn lợi san hô, hệ sinh thái biển tại khu vực bán đảo Sơn Trà; phối hợp với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng quan sát, kiểm tra hệ thống phao bảo vệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Dinh, Tổ trưởng Tổ Khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi san hô phường Thọ Quang, cho biết: “Anh em trong tổ chủ yếu là các chủ tàu trực tiếp hoạt động khai thác hoặc những người làm việc hằng ngày ở khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà. Tổ phân công tổ viên thực hiện tốt công tác bảo vệ, thông báo lịch trực cho BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, gửi biên bản họp tổ báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, tham gia hướng dẫn cư dân trong vùng biết đến tầm quan trọng của nguồn lợi san hô, từ đó giúp họ có ý thức bảo vệ, không khai thác san hô trái phép.
Ngoài ra, tổ phải tham mưu cho cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ đảm bảo nguồn lợi san hô”. “Khi phát hiện có hành vi gây ảnh hưởng đến nguồn lợi san hô dưới bất kỳ hình thức nào như sử dụng chất nổ, khai thác san hô trái phép, bẻ cành san hô, đổ đất đè lên các rạn san hô, xả rác thải ra môi trường nước có rạn san hô… tổ chúng tôi sẽ báo cáo ngay đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý”, ông Huỳnh Văn Lồng, tổ trưởng Tổ Khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi san hô phường Mân Thái, cho biết thêm.
Bảo vệ hiệu quả
Theo kết quả nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà có 104,6 ha rạn san hô, 26,2 ha thảm rong biển, 10 ha thảm cỏ biển, 191 loài san hô cứng tạo rạn và 3 giống san hô mềm, 162 loài cá rạn san hô, 81 loài sinh vật đáy, 3 loài cỏ biển và 72 loài rong biển. Nhận thấy san hô và các hệ sinh thái biển có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội, là nơi dự trữ đa dạng sinh học và nguồn gen, nơi ương nuôi nhiều đối tượng sinh vật và tạo cảnh quan phục vụ du lịch, trong thời gian qua, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương quận Sơn Trà tổ chức giăng phao bảo vệ, đồng thời bảo đảm việc tuần tra giám sát tốt tại khu vực sinh trưởng của rạn san hô và các hệ sinh thái biển. Bước đầu đã giảm thiểu tối đa các hành vi khai thác trái phép xâm hại đến rạn san hô và các thảm thực vật biển.
Anh Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Quản lý khai thác du lịch Sơn Trà, chia sẻ: “Đề án Bảo vệ rạn san hô tại bán đảo Sơn Trà ra đời đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho ngư dân. Đồng thời, từng bước hình thành khu du lịch biển tại bán đảo Sơn Trà, hấp dẫn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch tại Đà Nẵng”.
“Từ khi tổ thành lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí, công bảo vệ, đồng phục, áo mưa, đèn pin, loa cầm tay, xăng dầu, bảo hiểm, tiền điện thoại, thuốc y tế… để anh em đi trực, cung cấp dụng cụ bảo hiểm để anh em tuần tra an toàn. Nhờ vậy, thời gian qua, san hô phía nam khu vực bán đảo Sơn Trà đã có dấu hiệu phát triển ngày càng phong phú và đa dạng hơn”, bà Lê Hoàng Thúy, Phó phòng Kỹ thuật- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.