Quảng Nam: Hướng đến du lịch bền vững
Hiện nay, du khách phương Tây thường chọn những điểm du lịch không bị ô nhiễm môi trường, gắn kết với sinh thái.Do đó, du lịch bền vững đã được du khách quan tâm và tạo nên trào lưu du lịch mới.
Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch nằm trong nhóm phạm trù du lịch bền vững như: du lịch sinh thái, trách nhiệm, khám phá, làng quê... Ngành du lịch tại các địa phương trọng điểm của Quảng Nam cũng đã nhanh chóng định hướng phát triển du lịch tại các vùng nông thôn, miền núi, mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái dọc sông ngòi, bờ biển; mạnh dạn quy hoạch các vùng núi, hải đảo do khách tham gia khám phá du lịch đi bộ hoặc leo núi. Bên cạnh vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và bất động sản ven biển, Quảng Nam cũng bước đầu quan tâm loại hình du lịch khám phá đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Quảng Nam. Tại các vùng đồng bằng nông thôn, chú trọng xây dựng loại hình du lịch làng quê, sinh thái, homestay, làng nghề, thủ công mỹ nghệ mang bản sắc riêng biệt và độc nhất.
Chẳng hạn như tại Hội An, chính quyền thành phố cũng nỗ lực tìm kiếm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững cho thành phố, trong đó chú trọng xây dựng chiến lược phát triển du lịch dịch vụ phù hợp theo hướng bền vững. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Hội An đang quy hoạch Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch sinh thái biển theo hướng phát triển bền vững. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để quảng bá và thu hút du khách đến với điểm du lịch này. Điểm độc đáo của những tour du lịch này là hướng đến du lịch bền vững. Chẳng hạn như tour “Hành trình di sản” dành riêng cho khách du lịch có trách nhiệm, không chỉ khám phá Cù Lao Chàm từ mọi khía cạnh mà còn có cơ hội đóng góp cho sự phát triển bền vững của khu vực. Một điểm độc đáo và lưu ý đối với tất cả du khách tham gia những tour này là không sử dụng túi nilon, túi nhựa và các vật dụng gây ô nhiễm trên đảo.
Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch, dịch vụ cùng du khách, người dân ở Quảng Nam bước đầu đã tiếp cận và tỏ ra quan tâm, thích thú với loại hình du lịch này.
Nhiều mô hình lưu trú cùng nhà dân “homestay” cũng bắt đầu xuất hiện ở những điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam với phương châm giúp du khách khám phá cuộc sống và văn hoá của cư dân địa phương. Chẳng hạn như homestay Chuông Gió ở Cẩm Nam (Hội An) vừa được xây dựng với phương châm “Sống chậm”. Lưu trú tại đây, du khách sẽ cùng gia chủ hưởng thụ cuộc sống nhàn nhã, ăn loại rau sạch, giảm thiểu những tiện nghi máy móc hiện đại để bớt ô nhiễm môi trường.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đã phối hợp tổ chức kêu gọi người dân địa phương cùng du khách có những hành động tích cực bảo vệ môi trường sống.
Đại diện của Hoi An Travel cho biết: du khách châu Âu sẵn sàng trả chi phí cao để mua các sản phẩm du lịch bền vững hơn các sản phẩm du lịch truyền thống khác. Nhưng quan trọng nhất, ngành du lịch phải định hướng cho người dân, cộng đồng cùng nhận thức và tham gia xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững theo đúng nghĩa của nó. Chẳng hạn như việc phát triển các mô hình homestay gần đây phải chú ý đến việc chuẩn hóa các cơ sở homestay đúng ý nghĩa của nó. Các dịch vụ homestay phải tạo điều kiện cho du khách thưởng thức các giá trị văn hóa thường ngày của người địa phương, chứng kiến các hoạt động văn hóa truyền thống trong gia đình vào các dịp lễ, Tết, giỗ... Bên cạnh điều kiện vật chất cơ bản để đón khách, gia đình homestay phải có ít nhất 3 thế hệ sống trong cùng một nhà. Bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực bảo tồn biển và rừng tại Cù Lao Chàm, cần mở rộng không gian miền núi và mặt biển để phát triển du lịch tại Quảng Nam.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: ngành du lịch Quảng Nam đang nỗ lực xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đón đầu làn sóng du lịch sinh thái, cộng đồng mang đến những lợi ích cho cư dân địa phương. Đồng thời, rất chú trọng đến công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về khái niệm và xu hướng phát triển du lịch bền vững. Phát huy vai trò tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch, gắn lợi ích trách nhiệm của người dân vào quá trình phát triển sản phẩm nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Mở các lớp tập huấn để người dân ở vùng du lịch sinh thái như Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, Trà Nhiêu... học cách đón tiếp khách và phục vụ du lịch chuyên nghiệp. Mở các hội thảo về bảo tồn rừng dừa nước tại xã Cẩm Thanh. Xây dựng “Tuyến phố công dân toàn cầu” tại tuyến đường Trần Phú, phường Minh An (Hội An). Đây là tuyến phố được chọn triển khai thí điểm trong cả nước đảm bảo 3 tiêu chí: do thanh thiếu niên đứng ra làm chủ, bảo vệ di sản, bảo vệ cây xanh; thực hiện phân loại rác 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế rác) và không sử dụng túi nilon. Quảng Nam cũng đang tập trung xây dựng chương trình du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên), rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An), Làng sinh thái-nhân văn Lộc Yên (huyện Tiên Phước), du lịch mạo hiểm gắn với làng văn hoá dân tộc Bhoong (huyện Đồng Giang)...