Non nước Việt Nam

Cổ kính đình La Xuyên – Nam Định

Cập nhật: 29/10/2010 15:32:48
Số lần đọc: 2422
Từ Nam Định đi theo đường 10 khoảng 15 km đến ga Cát Đằng rẽ trái khoảng 300m là đến đình La Xuyên thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Cùng với Ninh Xá và một số thôn khác thuộc xã yên Ninh, vùng đất La Xuyên do Tướng quân Ninh Hữu Hưng lập ra vào thế kỷ X- XI.

Toàn bộ khu di tích này nằm quay về hướng tây quanh là cánh đồng lúa.Các công trình phụ trợ ở đây như hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây đều được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan. Bao quanh khu di tích là hệ thống tường gạch, tạo nên một không gian hoàn chỉnh, khép kín.

 

Đình La Xuyên được xây dựng theo hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8m, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ các bộ vì là 4 hàng cột lim to khỏe, có đường kính 50 cm. Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những nét cổ kính, uy nghiêm.

 

Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống như tiền đường, hai tòa này cũng được hoàn toàn bằng gỗ lim. Tại đây chính là nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét.

 

Nằm về phía bắc của đình La Xuyên là ngôi phủ thờ mẫu Liễu Hạnh được thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Hệ thống vì gỗ lim tại công trình này cũng được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc các đề tài tứ quý, tứ linh, lá lật… với nhiều kiểu dáng, đường nét khác nhau thể hiện tính sáng tạo, trình độ điêu luyện của một làng nghề truyền thống.


Đình phủ La Xuyên không chỉ là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân nơi đây mà còn lưu giữ, phát huy những nét truyền thống văn hóa làng nghề được thể hiện qua mỗi kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội không chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, trong lễ hội dân gian làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, đúng như câu ca mà nhân dân lưu truyền:

 

Giai nhân con cháu Cái Nành

Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân

Nguồn: website du lịch Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT