Chùa Phật Tích và cây tháp cổ thời Lý
Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết: Năm 1057, Lý Thánh Tông cho xây dựng một cây tháp cao hơn 10 trượng, trong chứa pho tượng Phật mình vàng cao 6 trượng. Sang thời Trần, Phật Tích tiếp tục là đại danh lam thắng cảnh; các vua Trần thường tới đây thăm thú, lễ Phật, dự hội, đề thơ và từng tổ chức cuộc thi Thái học sinh tại đây. Ðến thời Lê Trung Hưng, chùa Phật Tích được quý tộc triều đình cho trùng tu với quy mô rất lớn theo kiểu chùa trăm gian có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc tòa ngang dãy dọc gồm các tòa như: tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu đường, hành lang, nhà tổ, nhà mẫu. Năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng ở Phật Tích phá hủy hoàn toàn kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ lại các lớp nền móng và một số di vật, cổ vật. Năm 1959, chùa được dựng tạm mấy gian nhà nhỏ để bảo vệ pho tượng Phật A Di Ðà. Với giá trị to lớn nhiều mặt của chùa Phật Tích, ngay từ năm 1962 chùa Phật Tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Dẫu trải qua nghìn năm lịch sử, chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng đại danh lam chùa Phật Tích thời Lý còn để lại là những di sản văn hóa quý giá như: quy mô nền móng với bốn lớp nền to lớn, cùng với gạch ngói, chân cột, linh thú... đặc biệt là pho tượng Phật A Di Ðà. Mặc dù pho tượng Phật A Di Ðà đã có 1000 năm tuổi, nhưng vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian, ở nhiều phương diện như: triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đường nét, hoa văn trang trí... Pho tượng Phật A Di Ðà được làm từ đá xanh nguyên khối, trong tư thế ngồi thiền tĩnh tọa trên tòa sen; thân tượng cao 1,845 m có thân hình thon thả, óng nuột và mềm mại bởi những đường cong và những nếp chảy của tấm áo cà sa khoác ngoài; cổ kiêu ba ngấn, nõn nà; khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt hiền từ, lông mày thanh cong, miệng cười mỉm. Toàn bộ thân hình và khuôn mặt của tượng toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi, hỷ xả, như đang thấu nghe mọi tiếng kêu cứu khổ, cứu nạn của mọi kiếp chúng sinh để cứu khổ độ nạn. Phần bệ tượng gồm hai phần: tòa sen có chu vi là 3,61 m gồm 15 cánh, trên mỗi cánh đều chạm nổi một đôi rồng giun; còn phần bệ bát giác có bốn cấp nhỏ dần từ dưới lên để đỡ đài sen, hai cấp dưới soi kiểu vỏ măng, hai cấp trên cạnh vuông khối; toàn bộ bệ bát giác được chạm nổi các hình rồng giỡn đuổi nhau, cúc dây, sen dây, cấp dưới cùng chạm hình sóng nước cách điệu.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, năm 2008 chùa Phật Tích được khôi phục trùng tu với quy mô lớn gồm các tòa: Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu. Ðại đức Thích Ðức Thiện trụ trì ở chùa Phật Tích còn vận động các nhà hảo tâm, Phật tử gần xa, công đức xây dựng mới một số công trình như: viện Quan Âm, nhà khách, nhà trưng bày... và cho phục dựng một pho tượng Phật A Di Ðà mới cao gần 30 m đặt trên đỉnh núi Phật Tích.
Khi thực hiện Dự án trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích, trong quá trình đào móng tại khu vực tòa Tam bảo đã xuất lộ chân của cây tháp cổ đúng như sử sách ghi chép. Một cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành: Chân cây tháp cổ đã lộ nguyên hình, vuông lòng rỗng, tường tháp bao quanh rộng trung bình 2,4 m; mặt cắt ngang có diện tích trung bình 84,64 m2 (9,20 m x 9,20 m), được xây dựng bằng các loại gạch thời Lý có ghi niên đại: Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (gạch được sản xuất vào triều Lý đời vua thứ 3, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4, tức năm 1057). Vậy căn cứ vào bằng chứng khảo cổ học trên, cho biết niên đại chính xác tòa tháp này được xây dựng vào triều vua Lý Thánh Tông năm (1057) và đã từng được sử sách cổ ghi chép ca ngợi.
Chùa Phật Tích với những di sản văn hóa quý giá như: quy mô nền móng to lớn với nhiều di vật, cổ vật thời Lý như chân cột, gạch ngói, con giống, linh thú, đặc biệt là tượng Phật A Di Ðà và việc phát lộ chân cây tháp cổ, đã khẳng định chùa Phật Tích đại danh lam thắng cảnh thời Lý nổi tiếng. Ðây là di tích thời Lý tiêu biểu hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vừa qua, chùa Phật Tích đã khánh thành các công trình khôi phục trùng tu với quy mô to lớn và ngày 26-9-2010 đã được tổ chức lễ gắn biển: Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với hàng nghìn quý khách tham dự, tham quan.