Non nước Việt Nam

Đền Đươi (Hải Dương) - công trình kiến trúc độc đáo

Cập nhật: 15/10/2010 13:10:25
Số lần đọc: 3142
Đền Đươi thuộc thôn Cẩm Đới xã Thống Nhất (Gia Lộc) thờ  Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đền  khởi dựng từ thời Lý, được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) đến nay vẫn là một công trình kiến trúc độc đáo.

Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích khẳng định, di tích đã được khởi dựng từ thời Lý. Trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều công trình được xây dựng tử thời Lý không còn. Các công trình còn lại đến ngày nay có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) bao gồm toà tiền tế, toà trung từ, toà hậu cung và hai dãy giải vũ nối toà tiền tế và toà trung từ.


Những năm gần đây, một số công trình như cổng, nhà khách và các công trình phụ trợ khác được xây dựng làm cho di tích thêm đồ sộ.


Toà tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ dài 17 m, rộng 8,1m, có kiến trúc kiểu chữ nhất, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian, là một công trình thời Hậu Lê khá tiêu biểu với hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo. Mỗi vì kèo chính đều có bảy tiền, bảy hậu, cột quân, xà nách, các con thuận một khoảng, hai khoảng, ba khoảng. Các cột cái thấp, đường kính khá lớn khoảng 40 cm. Các câu đầu trụ, các con vành, đấu nóc đều được chế tác đẹp, chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao. Tại các vì kèo gian trung tâm có một số bức chạm "long quần" nghệ thuật. Tại các góc đao dĩ, hệ thống kẻ góc, xà đùi, chắn mái, các lá đề ở đầu đao, hệ thống xà hạ, xà thượng, tầu lá mái, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết có chất lượng tốt. Móng xây bằng gạch Bát Tràng, tường xây bằng gạch chỉ mỏng, mái lợp ngói mũi, 4 đầu đao có phù điêu rồng chầu, phượng mớm, bờ chảy có đắp những con sô, con trối, trên bờ nóc có phù điêu "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động.


Qua khoảng sân hẹp là toà trung từ dài 17 m, rộng 5,1 m, tại đây có 4 vì kèo kết cấu kiểu con chồng đấu sen, tạo thành 5 gian rộng, 2 gian đầu hồi không có vì kèo chỉ có hệ thống xà và hoành gác tường. Các chi tiết mộc của toà  trung từ có độ lớn trung bình, kỹ thuật chế tác chủ yếu là bào trơn, đóng bén, các chi tiết được lắp khít vào nhau bởi hệ thống mang mộng bén sát. Móng và tường xây bằng gạch chỉ chắc chắn theo kiểu thu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi.


Nối liền gian thứ nhất và gian thứ 5 là 2 dãy giải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy dài 6,4 m, rộng 1,65 m, kiến trúc của 2 dãy giải vũ khá đơn giản là kèo cầu chúa báng, cột thấp, mái lợp  ngói mũi, hai dãy giải vũ nối hai toà nhà tạo thành một không gian khép kín, khoảng sân giữa được đặt những chậu cảnh khá đẹp.


Toà hậu cung đền có 3 gian, trong đó có một gian cung cấm, mặt trước gian cung cấm có bộ ván bưng chạm "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động. Kiến trúc của toà nhà này gồm 2 vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, đóng bén, không có chạm khắc hoa. Móng, tường xây thấp bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi.


Trong khuôn viên đền còn chùa nhỏ có tên là Quỳnh Hoa, bị phá huỷ trong chiến tranh nhưng nay đã được khôi phục lại, kiến trúc khá đơn giản.


Đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia tháng 01/1991.

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT