Bắc Giang: Phát triển du lịch là một trong 5 chương trình kinh tế xã hội trọng tâm
Hướng tới mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch dịch vụ nhằm chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, gắn phát triển du lịch với chương trình giảm nghèo, Bắc Giang hiện đang triển khai nhiều giải pháp tích cực. Theo bà Hoàng Thị Hoa - Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: Tỉnh xác định phát triển du lịch sẽ phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy văn hóa, thể thao phát triển. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ, các làng nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở nhiều vùng quê. Để phát triển du lịch cần phải dựa trên tiềm năng sẵn có cộng với việc phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực biến những cơ hội thành những sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII xác định phát triển du lịch là một trong năm chương trình kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh cho thấy những động thái tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực này. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với ngành du lịch.
Phong cảnh khu du lịch Suối Mỡ
Chỉ cách Hà Nội 1 giờ xe chạy, Bắc Giang vốn được biết đến là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Với địa hình tự nhiên phong phú, Bắc Giang sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp như Suối Mỡ (huyện Lục Nam), hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn), rừng nguyên sinh Khe Rỗ (huyện Sơn Động) gắn liền với dãy Tây Yên Tử hùng vĩ. Bắc Giang cũng được biết đến là một địa phương còn lưu giữ được nhiều di tích gắn với truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc như chùa Vĩnh Nghiêm - nơi được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm. Tỉnh còn có thành cổ Xương Giang; khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cây Dã Hương nghìn năm tuổi ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Ngoài ra địa phương còn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có những di sản được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại như lối hát ca trù, hát quan họ, và nhiều làng nghề truyền thống nhất là ở các địa phương bên bờ bắc sông Cầu. Thêm vào đó Bắc Giang còn có những con người hồn hậu mến khách và tài hoa… Đây là những điều kiện thuận lợi để Bắc Giang có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cũng như du lịch văn hóa tâm linh.
Cây Dã Hương nghìn năm tuổi
Để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Bắc Giang sẽ thực hiện tốt quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với 6 nhóm giải pháp về: quản lý nhà nước; cơ chế chính sách; vốn đầu tư; nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế .
Trước mắt “Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015” sẽ sớm được triển khai. Trong đó, Bắc Giang sẽ tập trung quảng bá quy hoạch và các dự án, danh mục thu hút đầu tư; tận dụng hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước (TW và địa phương) để xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng điểm. Phát triển các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn như du lịch văn hóa, lễ hội làng nghề truyền thống đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng tại 3 cụm di tích trọng điểm của tỉnh là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn), Suối Mỡ (huyện Lục Nam) và Tây Yên Tử. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và các tiện ích khác đến các khu có điều kiện phát triển du lịch. Tích cực kêu gọi xã hội hoá đầu tư cho phát triển du lịch, tạo cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch vào địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát, xây dựng và tổ chức các tour, tuyến du lịch, gắn hoạt động du lịch với các hoạt động văn hoá lễ hội. Tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao cho phát triển du lịch, quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức các lễ hội truyền thống. Bảo tồn, giới thiệu, quảng bá dân ca quan họ, ca trù, dân ca các dân tộc thiểu số, các phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo của các dân tộc trên địa bàn. Xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí có đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các giải thi đấu thể thao lớn trong nước và quốc tế tại địa phương nhằm tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm du lịch và thu hút du khách đến với Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Đối với các dự án đã được chấp nhận đầu tư, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai để đưa các sản phẩm du lịch vào khai thác. Phấn đấu đến năm 2015 mỗi năm Bắc Giang thu hút được khoảng 445.000 du khách với số doanh thu đạt 21,8 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/ năm.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cộng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng, tin rằng mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh sẽ đạt được vào năm 2015 và Bắc Giang sẽ là điểm đến hấp dẫn của bạn bè trong nước và quốc tế.