Non nước Việt Nam

Đọt mây – món ăn ưa thích của đồng bào S’tiêng

Cập nhật: 08/11/2010 08:11:43
Số lần đọc: 2047
Đến xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước, bạn sẽ được thưởng thức đọt mây - món ăn ưa thích của đồng bào S’tiêng.Dù là món đọt mây đã được cải biên theo khẩu vị người Kinh - đọt mây xào mỡ, nhưng vị của nó không giống bất cứ cái đắng nào của các món ăn mang vị đắng.

Cảm giác đầu tiên khi ăn là… đắng khủng khiếp, nuốt rồi mà đầu lưỡi vẫn còn đắng. Nhưng, từ trong chân răng cảm nhận nhè nhẹ một vị ngọt như vị đọt cau, nhưng không nồng, gắt và không có cảm giác say.

Muốn tận hưởng hết hương vị của đọt mây thì phải ăn mây nướng. Đọt mây được vùi dưới than hồng giống như nướng khoai lang… Đọt mây nướng bùi và không dai vì còn giữ được nước và tất nhiên đắng hơn đọt mây xào nhiều lần. Đọt mây nướng phải ăn với muối hột dầm ớt hiểm rừng mới "đúng gu". Đồng bào S’tiêng dùng đọt mây như là gia vị, hoặc là nguyên liệu cho các món ăn truyền thống như canh thụt...

Đọt mây khó tìm, khó thấy hơn măng, nhưng mùa nào cũng có. Mây song thuộc họ Cau (Arecaceae), tên khoa học là Calamus Tetradacylus, đồng bào S’tiêng gọi là M’lu tăng. Mây song có nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa chuộng nhất.

Mây song thường mọc ở các khu rừng hỗn giao, nhiều nhất ở vùng Đông Nam bộ. Cây mây mọc dài có khi lên đến hàng chục mét, trên đọt có chùm lá gai. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động mấy chục người lực lưỡng mới kéo nổi và cũng cần thận trọng khi tách đọt mây để tránh bị gai nhọn đâm.

Khi lấy đọt mây, đồng bào tiện thể thu luôn thân cây để dành làm lạt buộc. Cứ cuộn nguyên sợi dài đeo vào vai mang về treo giàn bếp, khi nào cần dùng thì chẻ ra đem ngâm nước cho mềm.

Theo ông Điểu Đang ở sóc Bù Xung và ông Điểu Đó ở sóc Bù Krói, đồng bào chỉ chọn những đọt của cây mây già để ăn. Ông Nguyễn Quốc Chính - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Phước, cho biết đọt mây song ăn nhiều không bị nặng bụng như măng, thường được đồng bào dân tộc thiểu số dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng…

Ngày nay, rừng càng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, do đó đọt mây song trở thành sản vật hiếm.

 

Nguồn: danviet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT