Thập Tam Lăng (Trung Quốc): Di sản văn hóa thế giới
Triều đại Nhà Minh do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sáng lập, ông lên ngôi năm 1368, lăng mộ của ông là Minh Hiếu lăng, xây dựng tại Nam Kinh, không nằm trong Thập Tam Lăng. Người khởi đầu xây dựng Thập Tam Lăng là Minh Thành Tổ Chu Đệ, vua thứ ba của triều Minh. Ông bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình lớn nhất tại đây từ năm 1409 gọi là Trường Lăng, các đời vua kế tiếp cũng đều xây lăng mộ cho đến 1644, cả khu rộng trên 40 km2 với tường thành bao bọc dài 40 km. Mỗi lăng mộ tọa lạc trên một gò cao và nối với lăng mộ khác bằng lối đi gọi là “thần đạo”. Hai bên thần đạo có hai hàng tượng lính gác, lạc đà, voi, và quái thú bằng đá để canh giữ lăng. Cổng đá vào lăng xây năm 1540, cao 14 mét, và rộng 19 mét.
Kiến trúc của Trường Lăng mô phỏng theo kết cấu của Cố Cung, tường đỏ ngói vàng, lầu điện xen kẽ nhau, đã thể hiện được địa vị tôn quý của Chu Đệ và khí thế to tát của nhà vua trong thiên hạ. Ân Điện là kiến trúc chính trong lăng viên, khi hoàng gia tế tổ, mọi hoạt động cúng tế đều được tổ chức trong ngôi điện lớn này. Điện lớn kết cấu bằng gỗ, gồm 60 cột gỗ lim cao 12 mét, đường kính 1 mét. Loại gỗ này quý hiếm, rắn chắc, không dễ mục nát và còn có mùi thơm kỳ lạ. Những gỗ lim này được đưa từ vùng rừng sâu của Vân Nam và Tứ Xuyên lên. Sau khi chặt đẵn xong, phải đợi đến mùa lũ mới đưa gỗ trôi theo dòng nước ra khỏi rừng, rồi kết thành bè theo sông đưa tới Bắc Kinh. Vận chuyển trên đường bộ lại phải đợi tới mùa đông, cứ cách một quãng lại đào một cái giếng, lấy nước đổ lên mặt đất cho đóng băng, rồi dùng sức người kéo lê về Bắc Kinh. Vận chuyển được cac cột gỗ như thế phải mất từ 3 đến 4 năm, dân công lên tới 20 nghìn người, nhân lực, vật lực, tài lực là vô cùng tốn kém. Phía sau Ân Điện có một kiến trúc hình vuông vươn cao sừng sững được gọi là Minh Lâu, đây là vật kiến trúc tiêu biểu của lăng mộ đế vương triều Minh, bên trong đặt bia mộ của mộ chủ, từ đây vươn thành dãy tường vây hình tròn vây quanh ụ đất, ụ đất hình tròn này được gọi là Bảo Đỉnh, phía dưới là hầm mộ có đặt quan tài của vua và hoàng hậu. Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã có kế hoạch khai quật hầm mộ Trường Lăng, nhưng lại không sao tìm được lối vào. Sau, qua điều tra tính toán, họ mới quyết định tiến hành khai quật thử một ngôi lăng mộ khác trong Thập Tam Lăng, để tránh gây tác hại đối với Trường Lăng. Định Lăng là ngôi lăng mộ lớn thứ ba trong quần thể lăng tẩm này, đây là nơi mai táng vua Minh Thần Tông Chu Dực Quân, nien hiệu Vạn Lịch và hai vị hoàng hậu của ông, hình thức kiến trúc của nó rất giống Trường Lăng, nên các nhà khảo cổ mới chọn nó để khai quật thử. Ban đầu, người ta không tài nào tìm được lối vào hầm mộ, cho mãi tới khi tình cờ may mắn tìm thấy một tấm bia đá nhỏ huyền bí, thì mới phát hiện đây chính là chiếc chìa khóa của hầm mộ, bên trên khắc rõ vị trí của cánh cửa đi vào hầm mộ Định Lăng. Căn cứ theo tấm bia này, các nhà khảo cổ đã thuận lợi tiến vào tòa cung điện trong lòng đất này. Thông thường, cửa vào hầm mộ là hoàn toàn bí mật, tại sao ở đây lại có bản đồ ? Lý do vì vua Vạn Lịch năm 22 tuổi bắt đầu xây dựng Định Lăng, mất 6 năm, tức khi nhà vua 28 tuổi mới hoàn thành. Nhưng nhà vua băng vào lúc 58 tuổi. Thế có nghĩa là ngôi lăng mộ này bị phong kín trong suốt 30 năm, nên để đề phòng quên mất lối vào, người ta phải làm bản đồ chỉ dẫn cửa vào, và sau khi mai táng, không rõ vì lý do gì người ta không hủy nó đi.
Hầm mộ Định Lăng nằm sâu dưới lòng đất 27 mét, gồm 5 ngôi điện lớn: Trước, giữa, sau và hai bên phải trái, toàn bộ đều xây bằng đá. Trong gian điện giữa có ba ngôi bảo tọa bằng Hán Bạch Ngọc, phía trước đặt một vại sứ to trong đựng dầu thơm, được gọi là Trường Minh Đăng. Còn ngôi điện sau là phần chủ yếu của hầm mộ, trong đặt áo quan của vua Vạn Lịch và hai vị hoàng hậu. Hầm mộ Định Lăng có hơn 3.000 văn vật như: đồ thêu, trang phục và đồ trang sức, ngoài ra còn có khá nhiều đồ vàng, ngọc và đồ sứ rất quý hiếm.