Về miền di sản Tuyên Quang
Tiềm năng du lịch Tuyên Quang
Tuyên Quang cách thủ đô Hà Nội 165 km về phía Bắc, giáp ranh các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Với 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn, Tuyên Quang được coi là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa giữa sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và là hình ảnh thu nhỏ của vùng văn hóa Việt Bắc.
Tuyên Quang sẵn có tiềm năng để phát triển du lịch. Một thành phố thơ mộng soi bóng bên dòng Lô lịch sử, từng chứng kiến bao trang sử hào hùng của dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ những di tích, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, đền, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia như: Thành Nhà Mạc, đền Hạ, đền Cảnh Xanh... Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào (Sơn Dương) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương đã ở và làm việc thời kỳ tiền khởi nghĩa với quần thể di tích như: Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái...
Huyện vùng cao Nà Hang được gắn liền với huyền thoại chim Phượng Hoàng bay về xây tổ, với chín mươi chín ngọn núi vùng Thượng Lâm, đỉnh Pác Tạ cao vút chín tầng mây. Đến Khu du lịch sinh thái Nà Hang, du khách được du ngoạn trên hồ, khám phá những cánh rừng nguyên sinh, nhiều động vật quý hiếm, đặc biệt là loài Voọc mũi hếch đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Đến Nà Hang, du khách còn được nếm vị cay nồng, được đắm chìm trong men say cùng hương thơm tuyệt diệu của rượu ngô truyền thống.
Một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ với những cánh rừng già ngàn năm, thác Bản Ba hùng vĩ, tiếng đàn tính với câu hát ngọt ngào sẽ hấp dẫn du khách đến với Chiêm Hóa. Ở đây có địa danh Kim Bình, nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Huyện Hàm Yên nổi tiếng với quần thể hang động nối tiếp nhau và trải dài hàng km với cảnh kỳ bí, hoang sơ, được du thuyền trên hồ Khởn và thưởng thức trọn vẹn vị ngọt mát, thơm ngon của cam sành Hàm Yên. Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (huyện Yên Sơn) có nguồn nước nóng tới 67oC, lấy trực tiếp từ mạch nước sâu hơn 150 m dưới lòng đất, chứa nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng cho việc phục hồi các bệnh về xương, khớp, các bệnh ngoài da...
Tuyên Quang còn có những lễ hội truyền thống, trong đó có các nghi lễ cúng tế, làn điệu dân ca, điệu múa, trò chơi dân gian, phản ánh chiều sâu đời sống văn hóa tâm linh đa dạng và độc đáo của cộng đồng các dân tộc. Có thể kể đến các lễ hội ở Tuyên Quang như: Lễ hội Lồng Tông, lễ hội Cầu mùa của dân tộc Tày, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Động Tiên, hội chọi trâu, lễ rước Mẫu đền Hạ, lễ hội đình làng Giếng Tanh... Cùng với hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, Tuyên Quang đang là một bảo tàng lịch sử - văn hóa, điểm đến hấp dẫn đối với mỗi du khách.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Nhằm khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, Tỉnh ủy đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống, các nghề truyền thống”, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu của du lịch, là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Tuyên Quang.
Cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang, giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2015”. Mục tiêu cụ thể là khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa của 7 dân tộc thiểu số: Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Nùng, Pà Thẻn, Mông và nhóm người Thủy cư trú theo cộng đồng tại 45 thôn, bản thuộc các huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn. Thông qua khảo sát, điều tra, tiến hành lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa tiêu biểu của từng dân tộc để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng cơ sở vững chắc để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, thực hiện đến năm 2015. Sở đã tiến hành khảo sát, tổng điều tra các di sản văn hóa ở các địa phương trong tỉnh, phục dựng lại các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao đỏ, xã Bình Phú (Chiêm Hóa); Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Chiêm Hóa); Lễ hội đình làng Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn)…; tích cực thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa dân gian như: “Bảo tồn hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang”, “Bảo tồn hát Sình ca dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang”, “Nghiên cứu những nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao ở Tuyên Quang”...
Quảng bá hình ảnh Tuyên Quang
Năm nay, Tuyên Quang được đăng cai tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 gắn với Chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản” của 4 tỉnh: Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Ngay từ đầu tháng 10, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 đã có kế hoạch chi tiết cho các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch, phân công các cơ quan liên quan cùng phối hợp thực hiện, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Ban Tổ chức giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh tiến độ công việc thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kịch bản chi tiết, ma két sân khấu, xây dựng thể lệ và quy chế... để tổ chức các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch.
Các cơ quan, đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông, cung cấp điện, bảo đảm công tác cấp cứu đột xuất và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, thực hiện công tác tuyên truyền về Tuần Văn hóa - Du lịch.
Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 diễn ra từ ngày 20 đến 24/11, gồm có các hoạt động: Hội thảo liên kết hợp tác phát triển du lịch “Về nguồn Việt Bắc”, liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục dân tộc 4 tỉnh, giới thiệu một số nét sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Tuyên Quang, thi đấu các môn thể thao, triển lãm ảnh miền đất, con người, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài ra, Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 sẽ còn có các hoạt động phụ trợ như: Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 với quy mô hơn 200 gian hàng giới thiệu, triển lãm các thành tựu kinh tế, văn hóa, du lịch của các tỉnh, gian hàng thương mại, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí và các hoạt động hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010 ở các huyện trong tỉnh.
Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng về nội dung, kịch bản cho các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2010, chắc chắn sẽ là bước thành công mới trong việc tổ chức một hoạt động văn hóa có quy mô lớn của tỉnh, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân địa phương, đại biểu của các tỉnh bạn, và khách du lịch đến với Tuyên Quang.