Hoạt động của ngành

Trải nghiệm du lịch xanh, thân thiện môi trường ở Vĩnh Long

Cập nhật: 03/07/2025 11:25:06
Số lần đọc: 37
Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long không ngừng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường. Nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài được hình thành, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.


Ao Bà Om, phường Nguyệt Hóa, tỉnh Vĩnh Long rợp bóng cây cổ thụ.

Các tuyến, điểm du lịch tiêu biểu như “Phường Trà Vinh - Làng văn hóa du lịch Khmer-Cồn Chim”, “Phường Trà Vinh-Làng văn hóa du lịch Khmer-Cồn Hô”, “Phường Trà Vinh-Mỹ Long-Cồn Ông-Biển Ba Động” ở Vĩnh Long mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và các giá trị văn hóa gắn với di tích lịch sử, hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề.

Hai phường Trà Vinh và Nguyệt Hóa nổi tiếng là đô thị của những cây xanh khi sở hữu hơn 14.500 cây xanh đô thị, trong đó có gần 1.000 cây cổ thụ trăm năm tuổi với sự đa dạng về chủng loại như: Sao đen, dầu rái, giáng hương, me. Hàng chục tuyến đường nội thị nhỏ, giao cắt nhau tạo thành ô phố bàn cờ, hai bên là những dãy nhà xinh xắn, vỉa hè rộng, phủ kín cây xanh. Nhiều công trình xây dựng như chùa chiền, công sở, trường học, nhà ở luôn toát lên vẻ đẹp hài hòa với những hàng cây cổ thụ quý hiếm.

Theo đánh giá của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, hai phường Trà Vinh và Nguyệt Hóa có chất lượng không khí trong lành hàng đầu ở Việt Nam, đứng hạng thứ 3 trong các đô thị có chất lượng không khí trong lành nhất Đông Nam Á. Tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục mời gọi đầu tư hoàn thiện dự án “Làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” tại phường Nguyệt Hóa. Đây là điểm đến đặc sắc, quy tụ nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer như danh thắng ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, chùa Âng… cùng chuỗi hoạt động trải nghiệm, biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.

Ao Bà Om được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích danh thắng vào năm 1994. Đây còn là khu rừng nguyên sinh với hơn 300 cây dầu cổ thụ và hàng nghìn cá thể thực vật đặc hữu của đất giồng cát, đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đề xuất đưa vào quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

Cứ vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, tại khuôn viên ao Bà Om diễn ra tuần lễ văn hóa, du lịch gắn với lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer Nam Bộ với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao hấp dẫn du khách tham quan, vui chơi, giải trí. Tháng 4/2025, lần đầu tỉnh tổ chức giải chạy Aikya Cross Country Marathon Trà Vinh - sự kiện thể thao kết hợp văn hóa, mang đến cho người dân những trải nghiệm tuyệt vời về sức khỏe, thiên nhiên, cũng như góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Ông Đoàn Phước Lộc, du khách đến từ xã Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Ở các điểm đến thuộc làng văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh, tôi được tìm hiểu đời sống người Khmer, thưởng lãm các di sản văn hóa và nhất là hòa mình vào thiên nhiên trong lành”.

Tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái Cồn Hô, xã Nhị Long, du lịch cộng đồng Cồn Chim, xã Hòa Minh. Đồng thời, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, với hành trình du lịch từ sông ra biển, tháng 11/2023, tỉnh ra mắt mô hình du lịch nông nghiệp Cồn Ông, phường Duyên Hải.

Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam, Cồn Ông sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, không gian yên bình với diện tích tự nhiên khoảng 1.000 ha. Toàn ấp có 444 hộ dân sinh sống, với 1.926 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc vào nghề nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, Viện phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cộng đồng, hộ làm du lịch thực hành sản xuất nông sản sạch, thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương mong muốn sớm đưa Cồn Ông trở thành điểm du lịch sinh thái trong lành, đặc sắc đối với du khách gần xa và được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặt chân đến điểm du lịch Cồn Ông, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về các hoạt động lao động sản xuất, nét sinh hoạt đời thường của cư dân miền biển tỉnh Vĩnh Long: Cùng người dân cuốc đất, trồng, chăm sóc khoai lang, đậu phộng, dưa hấu, bắp trái…; thu hoạch, chế biến, thưởng thức món ngon từ nông sản sạch; ngắm hoàng hôn trên biển Ba Động...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Dương Hoàng Sum cho biết, năm 2023, các xã, phường ven biển đón 2,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.700 tỷ đồng. Sang năm 2024, lượng khách tăng lên hơn 3,8 triệu lượt, doanh thu hơn 2.552 tỷ đồng. Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long (mới) chú trọng liên kết vùng, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối các tỉnh trong khu vực để tạo ra hành trình khám phá phong phú, đa dạng cho du khách.

Bài và ảnh: Minh Khởi

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 02/7/2025

Cùng chuyên mục