Hoạt động của ngành

Ngày hội Văn hóa, Thể thao & Du lịch các dân tộc Bắc Giang năm 2010: Hội tụ những sắc màu truyền thống

Cập nhật: 23/11/2010 10:11:19
Số lần đọc: 1848
Tối nay (23/11/2010), Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ IV, năm 2010 sẽ khai mạc trọng thể tại Công viên Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang). Đây là sự kiện chính trị, văn hóa có quy mô lớn, quy tụ đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia.

Ngày hội diễn ra định kỳ hai năm một lần. Ngoài ý nghĩa tạo một sân chơi lành mạnh, kết nối nhân dân các dân tộc, Ngày hội còn là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Thông qua các hoạt động thi đấu, biểu diễn, trình diễn văn hóa, thể thao và du lịch tại Ngày hội nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết các dân tộc, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, vận động viên ở cơ sở gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong việc giữ gìn, phát huy vốn văn nghệ dân gian truyền thống, các môn thi đấu thể thao cổ truyền. Đồng thời cũng là dịp để các nhà quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ trao đổi kinh nghiệm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày hội cũng giúp thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó giữa các dân tộc, địa phương, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em. Cùng đó tôn vinh, bảo vệ và phát huy vốn di sản văn hóa, tạo  thành bức tranh sinh động, đa sắc màu của văn hóa - thể thao và du lịch Bắc Giang trong thời kỳ đổi mới.

 

Trong hoạt động văn hóa, ngoài liên hoan ca-múa-nhạc dân gian, nơi hội tụ những tiết mục văn nghệ đặc sắc của mỗi địa phương, còn có phần thi trình diễn, giới thiệu trang phục tiêu biểu của mỗi dân tộc, món ăn truyền thống, đồ uống đặc trưng các dân tộc. Đặc biệt, phần thi trại văn hóa sẽ góp phần mô phỏng nơi sinh hoạt, ăn nghỉ của một dân tộc cụ thể. Trong trại trưng bày những hiện vật văn hóa tiêu biểu như: đồ thờ cúng, trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực và các đặc sản của địa phương. Đồng thời trại văn hóa cũng là nơi giao lưu, quảng bá, giới thiệu những phong tục tập quán, nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của dân tộc đó.

 

Trong hoạt động thể thao, các môn thi đấu vật dân tộc, đẩy gậy, cờ tướng, kéo co, bắn nỏ cũng sẽ quy tụ những VĐV xuất sắc nhất của thể thao tỉnh nhà tham dự. Đây là những môn thể hiện được phẩm chất tiêu biểu của con người Bắc Giang: trí tuệ, đoàn kết và thượng võ. Ngoài ra còn có những trò chơi dân gian đặc sắc như: đu tiên, đi cầu kiều, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu…

Bên cạnh đó, tại Ngày hội năm nay, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Bắc Giang như: Suối Mỡ (Lục Nam); Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần (Lục Ngạn); chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); đình, chùa Thổ Hà (Việt Yên); cây Dã Hương (Lạng Giang), khu di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế (Yên Thế); di tích lịch sử cách mạng An toàn khu II (Hiệp Hòa); rừng nguyên sinh Khe Rỗ (Sơn Động)… cũng được giới thiệu rõ nét trong chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch. Đây là một trong những điểm nhấn rõ nét của Ngày hội nhằm góp phần triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010-2015. Trong hoạt động quảng bá du lịch của Ngày hội, bên cạnh giới thiệu các tiềm năng, địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi địa phương còn thực hiện tiếp thị, mời gọi đầu tư thông qua các ấn phẩm, tài liệu, sách báo, băng đĩa…

 

Ông Nguyễn Bá Thục, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT&DL, thành viên ban tổ chức Ngày hội cho biết: Dự kiến Ngày hội năm nay thu hút hàng nghìn người tham dự. Do vậy, để chuẩn bị cho Ngày hội diễn ra thành công, từ nhiều ngày qua, ban tổ chức, cơ quan thường trực và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ liên quan. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, việc chuẩn bị tham dự các nội dung của mỗi địa phương đã hoàn tất. Trại văn hóa của 10 huyện, thành phố cùng 20 gian trại do Bảo tàng tỉnh dựng (gồm 10 gian ẩm thực và 10 gian trưng bày, trình diễn nghề) đã hoàn thành. Lực lượng VĐV thi đấu thể thao được các đơn vị tổ chức tập huấn chu đáo; chương trình dự liên hoan ca-múa-nhạc, trình diễn trang phục dân tộc cũng được dàn dựng, tập luyện công phu. Đặc biệt, chương trình văn nghệ đêm khai mạc đã được tổng duyệt với 12 tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn của hai loại hình sinh hoạt văn hóa mới được UNESCO công nhận là quan họ và ca trù.

 

Để bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong đêm khai mạc Ngày hội, Công an tỉnh đã chuẩn bị lực lượng, bố trí trực tại nhiều địa điểm; ngành Y tế cũng thành lập tổ y tế trực liên tục trong thời gian diễn ra Ngày hội nhằm bảo đảm sức khỏe cho các đại biểu, VĐV, diễn viên…tham gia. Thời gian qua, ngành điện đã triển khai kế hoạch, đáp ứng đủ nhu cầu về điện trong những ngày diễn ra Ngày hội. Ngoài ra, thành phố Bắc Giang đã chỉ đạo Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị vệ sinh khu vực Công viên Hoàng Hoa Thám, chỉnh trang đô thị, bảo đảm điện chiếu sáng trên các trục đường chính; các băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa được trang hoàng lộng lẫy trên nhiều đoạn phố sẵn sàng đón Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc toàn tỉnh năm 2010.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục