Hoạt động của ngành

Liên kết quảng bá sản phẩm du lịch

Cập nhật: 07/12/2010 08:12:29
Số lần đọc: 1853
Sở VH,TT&DL Quảng Nam và Hà Nội vừa phối hợp tổ chức đoàn “famtrip” (du lịch tìm hiểu, làm quen) gồm đại diện ngành du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành miền Trung đến Hà Nội nhằm khảo sát các tuyến điểm du lịch và sản phẩm du lịch mới của Hà Nội.

alt

Phát huy thế mạnh

 

Chuyến khảo sát lần này của các tỉnh miền Trung đến Hà Nội là một trong những hoạt động nhằm tăng cường công tác quảng bá về hình ảnh, tiềm năng du lịch Hà Nội, đa dạng hóa các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương miền Trung và Hà Nội. Qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp ở các địa phương liên kết tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng nhằm hấp dẫn du khách trong thời gian đến.

 

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam, cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên các địa phương miền Trung và Hà Nội đặt vấn đề kết nối, liên kết với nhau. Chuyến khảo sát lần này là dịp để thúc đẩy và thắt chặt hơn mối quan hệ đó. Tham gia chuyến khảo sát, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam có cơ hội học hỏi, khám phá thêm về những điểm du lịch mới của Hà Nội, trao đổi kinh nghiệm về cách thức quản lý, điều hành và xây dựng những chương trình mới.

 

Qua đó các doanh nghiệp Quảng Nam có điều kiện tìm hiểu về sản phẩm mới của Hà Nội nhằm xây dựng thêm nhiều tour du lịch mới đến Hà Nội để cho du khách lựa chọn”. Còn ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội thì cho rằng: “Doanh nghiệp và ngành du lịch của 3 tỉnh miền Trung cũng đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề hợp tác, liên kết phát triển du lịch có sự tham gia của ngành du lịch Hà Nội với vai trò như một đối tác lớn. Các tỉnh miền Trung cũng tham gia nhiều sự kiện du lịch của Hà Nội như: Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam tại Hà Nội; Liên hoan ẩm thực Hà Thành năm 2010…”.

 

Đoàn khảo sát lần này đã có cơ hội đi tham quan và tìm hiểu về những tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới như: Hoàng thành Thăng Long, khám phá tour tham quan phố cổ Hà Nội bằng phương tiện sạch (xe đạp điện), các làng nghề truyền thống của Hà Nội, thăm làng cổ Đường Lâm, tham gia chương trình biểu diễn võ thuật tại võ đường Thiên Môn Đạo, trải nghiệm du lịch sinh thái và đồng quê tại Ba Vì… Nhiều thành viên tham gia chương trình “famtrip” lần này vốn không phải là những người xa lạ với Hà Nội nhưng không ít người ngạc nhiên và thích thú với những điểm du lịch mới mà Hà Nội đưa ra giới thiệu lần này. 

 

“Cái bắt tay” bền chặt

 

Có thể thấy hầu hết những tuyến điểm du lịch tại Hà Nội còn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Nhiều điểm có sự tương đồng với Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng như tổ chức cho du khách theo tour tham quan di sản văn hóa thế giới; xem biểu diễn võ thuật; du lịch sinh thái -đồng quê; du lịch khám phá… Tuy nhiên mỗi nơi là có những khác biệt riêng để tạo nên sự hấp dẫn. Chẳng hạn như tour du lịch sinh thái đồng quê tại Ba Vì cũng dựa trên sản phẩm nông nghiệp sạch như làng rau Trà Quế, nhưng ở Ba Vì thiên về đối tượng khách là học sinh để giúp các em khám phá cuộc sống nông thôn…

 

Theo ông Hồ Tấn Cường, qua chuyến đi này, các địa phương sẽ trao đổi kinh nghiệm để khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống nhằm tạo những sản phẩm du lịch tương đồng nhưng vẫn có giá trị khác biệt. Ngành du lịch Hà Nội mong muốn cung cấp, giới thiệu những điểm du lịch mới, như những “nguyên vật liệu” để các hãng lữ hành đến từ miền Trung sẽ dựa vào đó mà phân khúc thị trường hiệu quả. 

 

Trước mắt, các địa phương và doanh nghiệp sẽ cùng xem xét, xây dựng một số chương trình tiêu biểu qua một số vùng di sản như Hà Nội, Hội An, Huế. Chương trình du lịch thu hút khách đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung để đi tiếp ra Bắc hay thu hút khách từ cửa khẩu phía Bắc đi vào miền Trung; khai thác lượng khách quốc tế đến Hà Nội trên Con đường xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông- Tây.

 

Về phía doanh nghiệp, các hãng lữ hành đều bày tỏ sự thích thú và cho biết sẽ có những kế hoạch cụ thể để xúc tiến kết nối, trao đổi thông tin với các hãng lữ hành tại Hà Nội trong việc thiết lập tour thu hút khách. Qua chuyến khảo sát, vấn đề mà các hãng lữ hành đến từ miền Trung quan tâm chính là việc hợp tác đầu tư xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch. Ông Phạm Đình Hoàng - Phó Giám đốc Công ty lữ hành Vitours (Đà Nẵng) cho biết: “Chắc chắn chúng tôi sẽ kết nối được tour để đưa du khách đến những điểm du lịch mới này. Đối tượng khách chúng tôi dự kiến hướng đến sẽ là khách miền Trung. Các sản phẩm mới mà Hà Nội đưa ra lần này hầu hết là những sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống rất độc đáo”.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục