Đến với lễ hội văn hóa trà Bảo Lộc, Lâm Đồng
Bảo Lộc mùa thu hoạch trà. |
Lễ hội năm nay diễn ra từ 25 đến 27-12 nhằm tôn vinh người trồng trà, quảng bá thương hiệu và là sản phẩm du lịch đặc biệt…
Tỉnh Lâm Đồng đã sớm hình thành ngành công nghiệp trà nổi tiếng. Từ hơn 80 năm trước, những cây trà đầu tiên đã được đưa đến trồng thử trên vùng đất này và phát triển đến nay. Ban đầu là những đồn điền trà của người Pháp. Người xứ miền Trung, Đàng Ngoài vào đây lập nghiệp, sinh sống chan hòa cùng với người dân bản địa và làm việc ở các đồn điền. Trồng và trà chế biến trà trở thành nghề truyền thống ở cao nguyên này.
Qua đèo Bảo Lộc, du khách đã đặt chân đến cao nguyên Di Linh. Vùng đất này có độ cao từ khoảng 800-1.200m, khí hậu ôn hòa. Riêng thành phố Bảo Lộc, có đến 100 ngày sương mù mỗi năm nên nhiều người gọi đây là “thành phố mờ sương”. Sương mù ở đây không dày đặc mà là những khối sương mỏng. Có khi, chúng chỉ là đà ngang thân người. Thời tiết ở đây thấp nhất khoảng 18 độ và cao nhất khoảng 27 độ, rất dễ chịu. Du lịch ở đây phát triển nhưng không ồ ạt mà vẫn giữ nét cổ kính, xưa cũ hòa quyện vào thiên nhiên hoang dã. “Xứ sương mờ” còn hấp dẫn khách bởi những ngọn đồi tiếp nối nhau. Tại thành phố Bảo Lộc, qua khỏi những dãy phố, du khách gặp ngay những ngọn đồi trập trùng trồng trà. Những đồi trà, cây trà được trồng theo hàng song song nhau, thẳng tắp. Khi đến đây vào dịp hái trà, du khách thích thú trước bức tranh thiên nhiên sống động; những cô gái Bảo Lộc mang gùi sau lưng, tay thoăn thoắt hái những lá trà non. Xa xa, những đồi trà một màu xanh mượt chạy dài đến ngút ngàn... Ấn tượng nhất ở Bảo Lộc là “phố trà” dọc quốc lộ 20 với nhiều thương hiệu trà nổi tiếng như: Tâm Châu, Trâm Anh, Thiên Hương, Đỗ Hữu, Quốc Thái... Ngoài mục đích bán và quảng bá sản phẩm, “phố trà” đã góp phần giới thiệu, quảng bá một cách hiệu quả hình ảnh Bảo Lộc đến bè bạn trong và ngoài nước.
* * *
Lễ hội văn hóa trà năm nay là lần thứ III, diễn ra tại thành phố Bảo Lộc, thu hút doanh nghiệp trà cả nước tham dự với chủ đề “Bay xa hương trà B’Lao”. Trong 3 ngày nhưng có đến 20 chương trình liên tục. Trong những hoạt động chuyên đề về sản xuất và kinh doanh trà, có nhiều hoạt động mang tính “hội” phục vụ du khách. Vừa đặt chân đến chân đèo Bảo Lộc, du khách sẽ cảm nhận được không khí lễ hội. Vào thành phố, các hiệu danh trà hàng chục năm qua phô trương san sát nhau theo trục lộ chính. Các cơ sở trà trang trí, quảng cáo bằng nhiều loại hình nghệ thuật bắt mắt du khách vừa tôn vinh nghề nghiệp bản địa. Suốt những ngày lễ hội, du khách tham dự sẽ được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn và tìm hiểu nét văn hóa trà của xứ sương mờ này.
Thác Đambri hùng vĩ. |
Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể dừng chân bên đường để rẽ vào những đồi trà thơ mộng. Tại các đồi trà của nông trường, doanh nghiệp, là không khí lao động nhộn nhịp của “hội thi hái trà”. Nếu đến sớm hơn hoặc về muộn lễ hội, du khách có thể thăm nhiều nơi. Trong vòng bán kính khoảng 20-30 cây số xung quanh thành phố Bảo Lộc có rất nhiều thác đẹp và rừng nguyên sinh. Nổi tiếng nhất là thác Đambri ở thượng nguồn suối Dam’ry cách trung tâm Bảo Lộc 12km. Đây là một thác nước hùng vĩ bậc nhất của núi rừng Tây Nguyên. Nằm ở thượng nguồn suối Đạ Huoai thuộc Lộc Thành - Bảo Lâm, Đambri là một thác hùng vĩ có bảy tầng, kéo dài 2km. Khu này rừng nguyên sinh được bảo tồn khá tốt. Kế tiếp là thác Lilieng ở thượng nguồn Datrou thuộc Gungré – Di Linh cao 30m gồm nhiều tầng nhỏ, có rừng nguyên sinh và hiện đang được Công ty Du lịch Lâm Đồng khai thác. Thác Minh Thuận ở thượng nguồn suối K’longjun cách thác Lilieng 2km, cao 10m nhưng bố cục rất cân đối và hài hòa, chung quanh là rừng nguyên sinh, đường đi băng qua các rừng thông xanh tốt, giao thông rất thuận lợi. Ngoài ra còn các thác nhỏ như thác Mơ, thác Ba Cô...
Cảnh sắc đẹp còn phải kể tới các vùng hồ rất phong phú trong khu vực này như hồ Nam Phương thuộc nông trường Kohinda rộng 80ha, quanh hồ là những đồi dâu, đồi chè xanh tốt ngút ngàn rất tươi đẹp, gần trung tâm Bảo Lộc; hồ Tân Rai tại Lộc Thắng có diện tích 120ha, có nhiều đồi chè và cà phê vây quanh, trung tâm hồ còn có hòn đảo rộng 11ha trồng cây ăn quả rất thích hợp cho du lịch vui chơi và nghỉ dưỡng; hồ Hàm Thuận là hồ thủy điện trên sông Dar’nga trên đường Bảo Lộc – Đa Mi cách quốc lộ 20 chỉ 25km. Hồ có nhiều nhánh nhỏ len lỏi giữa núi rừng, giữa hồ có nhiều đảo nhỏ. Hồ có diện tích 1.800ha. Quanh hồ này là cảnh quan rừng núi, nương rẫy có nhiều giá trị cho du lịch và tham quan. Hồ Đạ Tẻh là một hồ có diện tích 300ha, có nhiều cù lao trong hồ, quan cảnh rừng núi rất đẹp có thể du lịch săn bắn, câu cá và tham quan.
Thành phố Bảo Lộc còn có các trang trại. Hiện nay đang có rất nhiều trang trại diện tích 10ha đến 30ha trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, trồng trà và cây ăn trái. Có doanh nghiệp là Công ty Tâm Châu đang mở tour tham quan vườn trà – cà phê, thăm cơ sở chế biến, mua sản phẩm. Còn một số vườn cây ăn trái dọc quốc lộ 20 và thành phố đang dự tính sẽ phát triển thêm nhiều vườn cây ăn trái theo con đường này: trồng sầu riêng hạt lép, mít tố nữ, mít tố tây, nhãn vỏ trâu, măng cụt. Du lịch văn hóa ở Bảo Lộc còn hấp dẫn với việc tiếp cận văn hóa các dân tộc Mạ, K’ho...