Núi Đá Bia, Phú Yên
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quí Đôn viết: “Núi Đá Bia ở Phú Yên là chỗ tiền triều phân địa giới với Chiêm Thành, núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn núi khác. Khi Thánh Tông đánh được Chiêm Thành lấy đất này vào xứ Quảng Nam, lập dòng dõi Chiêm Thành cũ, phong cho từ đất ấy trở về phía tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, lưng xoay về phía bắc, mặt về phía nam, lâu ngày chữ đã mòn mất”.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Xét sách thủy lục trình chí của Trần Công Hiến có đoạn chép rằng: Núi này có một chi chạy đến biển, chia hai dòng nước, cỏ cây cũng phân rẽ, có một hòn đá lớn quay đầu hướng đông như hình người. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua núi ấy, bùi ngùi than thở rằng: “Từ lúc trời đất sơ khai đã phân ranh giới, vì nghịch đạo trời nên phải chịu họa trời”. Nhân đó vua khiến chạm chữ trên đá.
Việc vua Lê Thánh Tông có khắc chữ trên núi Đá Bia hay không ? nhân dân vẫn xem đó là một huyền thoại, đánh dấu bước ngoặc lịch sử của vùng đất Phú Yên. Vì trong Đại Việt sử ký toàn thư có một đoạn nhật ký ghi cuộc nam chinh của vua như sau: “Ngày mùng một tháng 3 năm Tân Mão hạ thành Chà Bàn, ngày mồng 2 đã xuống chiếu lui quân”. Năm 1937, có cuộc khảo sát núi Đá Bia của tri phủ Tuy Hòa lúc ấy là Nguyễn Văn Thơ. Những năm gần đây có các cuộc khảo sát của thanh niên, sinh viên Phú Yên, họ cũng không tìm được một dấu tích nào cả./.