Non nước Việt Nam

Trò chơi dân gian trong lễ hội mùa xuân ở Nam Định

Cập nhật: 09/12/2010 14:30:28
Số lần đọc: 3201
Là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa, cứ mỗi độ xuân về, các làng quê trong tỉnh lại thi nhau mở hội. Trong lễ hội, bên cạnh phần lễ, diễn ra sôi nổi các trò chơi dân gian thu hút đông đảo mọi người đủ các lứa tuổi tham gia. Nếu như những người cao tuổi bị cuốn hút vào các trò chơi tổ tôm điếm, cờ người, cờ thế, cờ bôi, thi thơ, thì lớp thanh niên trong làng lại bị hấp dẫn bởi các cuộc thi tài bắt trạch trong chum, kéo co, bơi chải, chơi đu…Các bà, các chị lại túm năm tụm ba trổ tài thổi cơm thi, nấu cỗ, dệt vải…
Trong hàng trăm lễ hội được tổ chức hàng năm thì có khoảng 50 lễ hội được tổ chức vào mùa xuân từ tháng Giêng đến tháng Ba, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu. Gần đây, trong lễ hội nhiều nơi đã khôi phục được những cổ tục độc đáo mang nét riêng của làng, của vùng mà những năm trước có xu hướng mai một. Có thể kể đến trò bắt trạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội Đình Đá, xã Yên Cường (Ý Yên); bắt trạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); vật dân tộc trong lễ hội chùa Hà Lạn, xã Hải Phúc (Hải Hậu); múa rồng, chọi gà trong lễ hội đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Không khí đua tài náo nhiệt của các trò chơi dân gian trong lễ hội đầu năm còn diễn ra ở khắp các vùng khác trong tỉnh như thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co tại lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), chơi cờ người trong lễ hội Chùa Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), cờ đèn dưới nước, hát chầu văn trong Lễ Hội Phủ Dầy được tổ chức vào đầu tháng 3 (âm lịch) hàng năm; múa gậy tại lễ hội đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản). Đặc biệt, tại làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước…Các trò chơi đều được tổ chức trên nền hình thức hát trống quân, đối đáp nhau về các sản vật chỉ có ở làng Gạo…Ở một số lễ hội làng trong tỉnh còn có những trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng xa xưa, gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) diễn tích trò ăn lá; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có tục yểm lá nhãn ăn thề, trò “thuyền chài đuổi bắt Tàu – Ngô”, tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần.

Trò chơi dân gian bên cạnh việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo của người dân còn góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT