Non nước Việt Nam

Huyền thoại làng miến Cự Đà (Hà Nội)

Cập nhật: 29/11/2010 14:38:26
Số lần đọc: 1918
Hàng chục năm trở lại đây, người dân ngày càng ưa thích hương vị miến dong và quên dần loại miến làm bằng bột đậu xanh. Nhiều thực khách chỉ quan tâm đến những địa chỉ món ăn ngon, nhưng chưa biết đến nguồn sản xuất những nguyên liệu để tạo ra món ăn hấp dẫn đó.
Tạm xa Hà Nội xô bồ và ồn ào, chúng ta cùng hành trình đến với một làng quê có truyền thống làm miến lâu đời - làng miến Cự Đà, ngôi làng cách trung tâm Hà Nội 20km về phía Tây. Nép mình bên con sông Nhuệ, làng trải dài và có hình xương cá với những ngõ xóm đâm ngang, hẹp, lát gạch đỏ. Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Sự quy hoạch tự nhiên của làng với mô hình “nhất cận thị, thị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại.

Đến với làng Cự Đà, chúng ta không khỏi trầm trồ trước nét đẹp cổ kính, mà bởi những nghề truyền thống còn được gìn giữ và phát huy cho tới tận ngày nay. Xưa, làng nổi tiếng với nghề làm tương nếp, nay làng cũng được biết đến là nơi sản xuất miến lớn nhất tại miền Bắc.  

Miến được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, trải qua những công đoạn hết sức tỉ mỉ. Bột dong giềng sau khi trải qua những công đoạn sơ chế, đem đi tráng thành bánh, hấp chín rồi phơi. Những chiếc bánh tráng được căng trên tấm phên lớn và phơi ở mọi nơi, từ sân phơi trong nhà, trên sân thượng, bãi sân cỏ rộng, rồi đến cả những con đường làng.

    

Sau khi những phên bánh tráng được phơi đủ độ dưới ánh nắng mặt trời, chúng được thu về và cán thành sợi bằng máy. Mỗi guồng máy qua, những sợi miến màu vàng óng ả lại nối tiếp nhau xuất hiện, nhưng chúng vẫn chưa được đem đi tiêu thụ. Để sản phẩm miến được thơm ngon, giòn và dai, những người làm miến phải phơi thêm một nắng nữa.

Nhìn những sợi miến vàng óng, mượt mà được phơi ở mọi nơi trong làng, ta tưởng như  đang lạc vào làng sản xuất lụa. Những dải lụa bằng miến phơi trong nắng cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút sự tò mò của những du khách tới đây.

Làng Cự Đà có truyền thống làm miến từ nhiều năm, nhiều thế hệ đã đi qua với biết bao biến động xảy ra song bí quyết sản xuất miến vẫn được lưu truyền hết năm này qua năm khác, các thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy những gì ông cha để lại và cho tới bây giờ, làng miến Cự Đà đã tạo thành thương hiệu nổi tiếng. Sản phẩm miến từ đây được phân phối đi khắp nơi, lượng khách đặt hàng miến ngày càng tăng và nhiều khách hàng phải đặt hàng từ rất lâu mới có hàng để lấy, điều đó đã nói lên được sức hút và uy tín về chất lượng của sản phẩm.

         

Miến đã trở thành món ăn thân thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt món ăn dân dã này không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết và những ngày trọng đại khác trong gia đình người Việt. Miến tạo nên một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người Việt và được bạn bè quốc tế vô cùng yêu thích. Và, làng sản xuất miến Cự Đà ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo thực khách trong nước và quốc tế.

Cổ kính trong kiến trúc, đời sống dung dị, nghệ thuật trong sản xuất miến, đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói về làng nghề truyền thống này - làng miến Cự Đà.Hàng chục năm trở lại đây, người dân ngày càng ưa thích hương vị miến dong và quên dần loại miến làm bằng bột đậu xanh. Nhiều thực khách chỉ quan tâm đến những địa chỉ món ăn ngon, nhưng chưa biết đến nguồn sản xuất những nguyên liệu để tạo ra món ăn hấp dẫn đó.

Nguồn: monngonhanoi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT