Tinh xảo nghề trống Bắc Thai (Hà Tĩnh)
Đến Bắc Thai vào những ngày cao điểm mùa vụ làm trống phục vụ rằm tháng 7 và các ngày lễ tết trong năm, ngay từ đầu làng đã nghe âm thanh của tiếng máy bào, máy cưa xen lẫn tiếng thử trống thùng thình rộn rã. Theo cụ Biên – “nghệ nhân” làm trống của làng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, thì nghề làm trống ở Bắc Thai là nghề cha truyền con nối. Từ lúc nhỏ cụ đã thấy ông, cha mình làm đủ các loại trống lớn nhỏ để bán cho người dân quanh vùng. Con trai trong làng khoảng 12, 13 tuổi được dạy làm các loại trống nhỏ… đến 16, 17 tuổi thì theo cha, anh đi làm trống đại.
Gỗ mít được chọn lọc phần tinh, lõi phơi khô, cắt thành từng “dăm” |
Để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Ông Bùi Văn Tế - người sản xuất nhiều trống nhất làng, cho biết: “Da làm trống phải là da bò, được đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô 3 nắng. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày vì tiếng trống sẽ bị bì, ngược lại nếu da mỏng thì trống sẽ mau thủng. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống nhỏ”
Da làm trống phải là da bò, được đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô 3 nắng |
Da bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng chốt tre |
Gỗ làm tang trống phải là gỗ mít do loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ; hơn nữa “gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. Tang trống được làm từ nhiều “dăm” chắp lại với nhau, tạo thành hình tròn vừa khít. Gỗ được chọn lọc phần tinh, lõi cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm”. Tuỳ theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu “dăm”, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Công đoạn ghép tang trống đòi hỏi kỷ thuật của người thợ phải thật cao tay, đảm bảo phải thật khít, đến mức đổ nước vào không chảy. Cuối cùng là bưng trống. Da bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt. Đinh chốt được làm từ loại tre già, ngâm kỹ.Trống Bắc Thai nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, tiếng no, tròn… đó là nhờ bí quyết riêng của làng cùng tâm huyết của người làm trống.
Trống Bắc Thai được người dân làng nghề đem bán vào những phiên chợ tỉnh (ngày 1 và 6 âm lịch) |
Theo ông Nguyễn Thanh Long – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hội thì cho đến nay, danh làng nghề là do uy tín, chất lượng của trống và sự truyền miệng của người dân chứ làng nghề chưa được sự công nhận của các ngành chức năng. Việc xây dựng thương hiệu trống Bắc Thai và tìm đầu ra cho các sản phẩm đang còn là vấn đề trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Đã nhiều khi, trống làm ra nhưng không bán được nên đành phải xếp bỏ ở một góc. Mặc dù vậy, các thế hệ con cháu trong làng vẫn tự dặn dò, nhắn nhủ nhau rằng bằng mọi giá phải "giữ" lấy nghề truyền thống mà ông cha đã mất bao công sức gây dựng nên.