Nam Định: Độc đáo nghệ thuật cà kheo
Trong ngày hội văn hóa thể thao của hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm, tiết mục biểu diễn của những nghệ sỹ "cao kều" đến từ đội cà kheo xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều (Hải Hậu) được khán giả yêu thích. Các tiết mục biểu diễn đấu vật, đá bóng, múa lân, đấu kiếm của các nghệ sỹ trên kheo cao 4-5m thật điêu luyện, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong ngày hội.
Biểu diễn cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của các ngư dân ven biển. Nghệ thuật biểu diễn cà kheo ở làng Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) xuất hiện từ những năm 1960. Ban đầu, những ngư dân địa phương đã hội tụ, tập luyện và biểu diễn trong các hội đình, hội làng, sau đó, đội cà kheo xã Nghĩa Thắng được thành lập do cụ Nguyễn Văn Luận làm đội trưởng. Theo các nghệ nhân, cà kheo làm bằng tre già, thẳng, đặc, chịu lực tốt, có đường kính 4-6 cm, dài từ 3-5m, có chỗ đặt chân và nén kheo. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn, người đi kheo phải dựa vào nước để lấy thăng bằng. Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước vì nền đất cứng, độ nguy hiểm lớn hơn, đòi hỏi phải khổ công tập luyện. Câu chuyện về đội cà kheo xã Nghĩa Thắng và danh hiệu nghệ sỹ "cao nhất" Việt Nam cũng rất thú vị. Cụ Nguyễn Văn Luận, người gắn bó hơn 30 năm với đội cho biết: Năm 1961, khi xã Nghĩa Thắng mở hội, cụ và các vị cao niên vùng đất Quần Vinh đã vận động 20 thanh niên, thành lập đội cà kheo biểu diễn, tham gia đoàn diễu hành, không ngờ, bà con nhân dân nhiệt tình tán thành, cổ vũ. Vượt qua lũy tre làng, nghệ thuật biểu diễn cà kheo của xã Nghĩa Thắng đã đi phục vụ, biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước: Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2001, Lễ hội dân ca, dân vũ TP Hồ Chí Minh năm 2003, Liên hoan du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh năm 2004, Lễ khai mạc SEA Game 22, Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2005. Trên đôi chân dài 3-5m, các nghệ sỹ biểu diễn các tích trò, các môn thể thao như cầu lông, đánh đu, đá bóng, hát quan họ, hát chèo, đấu kiếm, chơi xà đơn xà kép. Từ công cụ gắn liền với cuộc sống đánh bắt cá, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân ven biển. Sau những giờ lao động vất vả, các thành viên trong đội cà kheo xã Nghĩa Thắng lại tụ họp trên bãi biển để cùng tập luyện, sáng tạo ra những trò mới, vừa rèn luyện sức khỏe và mang đến niềm vui cho mọi người. Đến nay, đội cà kheo xã Nghĩa Thắng có hơn 30 người với trên 20 tiết mục, trò diễn. Trong đó, gia đình cụ Nguyễn Văn Luận có 5 người con tham gia đội cà kheo, là các ông Nguyễn Văn Khắc, Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Văn Ngự, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tuyên.
Ngoài đội cà kheo xã Nghĩa Thắng, tỉnh ta còn nổi tiếng với các đội cà kheo xã Hải Triều, Hải Lý, Hải Đông (Hải Hậu). Mỗi đội kheo đều có nét độc đáo, có tích trò riêng. Nếu đội cà kheo xã Nghĩa Thắng lấy trò đấu kiếm, xà đơn xà kép, đá bóng làm điểm nhấn, thì đội cà kheo xã Hải Lý, Hải Đông lại chọn múa lân, múa rồng, chú Tễu cầm quạt, đánh trống làm trọng tâm. Mỗi đội có nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân./.
Nguồn: Báo Nam Định