Cây đàn tính và nghệ nhân tri kỷ với đàn
Không chỉ được biết đến với những rừng hoa ban trắng trời, hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc khi tiết trời vào xuân, xứ Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) còn được biết đến với những đêm xòe ngất ngây trong men rượu cần. Trong âm điệu của cây đàn tính tẩu, xòe không đơn thuần là bài hát, điệu múa mà còn là thứ ngôn ngữ để giãi bày tâm tư, tình cảm của con người. Với những ý nghĩa ấy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu đang tiến hành các thủ tục để lập đề án đề nghị UNESCO công nhận "múa xòe" là di sản văn hóa phi vật thể.
Bắt đầu làm quen với cây đàn từ năm 13 tuổi, nghệ nhân Nông Văn Nhay (bản Vàng Pheo, xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu) đã có gần 60 năm gắn bó với cây đàn tính tẩu. Không chỉ là loại nhạc cụ duy nhất đệm múa cho các làn điệu xòe, cây đàn tính tẩu đã trở thành tiếng vọng của đất trời, một nón ăn tinh thần không thể thiếu của người Mường So, nhất là khi đất trời vào xuân.
Truyền thuyết quả bầu đất
Từ thời xa xưa, người dân xứ Mường So vẫn truyền tai nhau rằng: Xưa kia, bên dòng suối Nậm Lùm (xã Mường So) có một hòn đá to bằng 3 gian nhà sàn của người Thái. Nắng mưa, cùng với thời gian, rêu xanh đã làm lộ ra một vết sẹo trên lưng hòn đá, người Thái gọi là “Hiên Bát” - “Hiên” là đá cụi, “Bát” là sẹo. Rồi một ngày, nơi đây xuất hiện một anh chàng người Thái mồ côi, quanh năm bắt cua mò ốc ở suối Nậm Lùm. Anh đã dựng một túp lều bên hòn đá làm nơi ngả lưng qua ngày. Một lần, đi đánh chài về, anh thấy một quả bầu khô nằm trên hòn đá. Anh bèn cưa ra làm đôi, dùng thanh tre tra cán vào quả bầu làm chiếc gáo múc nước. Chiếc cán thường là nơi anh dùng để phơi chiếc chài đánh cá.
Một đêm thanh vắng, bên dòng suối Nậm Lùm, tiếng nước chảy róc rách, có con côn trùng bay vo ve và đâm đầu vào sợi dây chài trên chiếc gáo và phát ra một thứ âm thanh kỳ lạ, anh chợt tỉnh giấc. Âm thanh nghe rất ấm lòng khiến anh cảm thấy đây là người bạn tâm tình trong lúc đang cô đơn. Lập tức, anh dùng 3 sợi dây chài kéo qua chiếc gáo kia, dùng tay gẩy nhẹ thì thấy phát ra âm thanh vô cùng ấm áp.
Thương thầm người con gái bản bên, nhiều đêm anh chàng đã dùng âm thanh này để gọi người bạn tình của mình ra bờ suối tâm tình. Từ đó, nhiều người trong bản biết đến âm thanh ấy và gọi chiếc gáo múc nước là cây đàn tính tẩu (“tính” là đàn, “tẩu” là quả bầu).
Người giữ hồn cây đàn tính tẩu
Được bà con giới thiệu, chúng tôi đã đến thăm ông Nông Văn Nhay - một nghệ nhân đàn tính tài danh của núi rừng Tây Bắc. Đã qua tuổi 70, nhưng hàng ngày, ông vẫn lận đận đi hết bản trên, làng dưới nhặt nhạnh những “âm thanh” của đất trời, sông suối, mở lớp truyền dạy cho con cháu trong bản về cây đàn tính.
Theo bà con Mường So, người gẩy được cây đàn tính thì nhiều, nhưng gẩy có hồn thì không phải ai cũng làm được. Với tình yêu, lại có năng khiếu bẩm sinh nên gần cả cuộc đời, ông gắn bó với cây tính tẩu này như người bạn tri kỷ của mình. Ông được bà con Mường So gọi là người giữ hồn cây đàn tính tẩu.
Rót chén trà mời khách, ông Nông Văn Nhay ngửa mặt lên rồi nhắm mắt, kéo một hơi thuốc lào. Ngồi một lát như lấy lại tinh thần, ông nói: Nhà báo có thời gian ở lại đây ít hôm, may ra tôi mới nói hết được về cây đàn tính.
Với tay lấy cây đàn đang treo trên vách nhà, ông vừa hát tiếng Thái vừa gẩy cho chúng tôi nghe một đoạn nhạc. Ông bảo, đó là nhạc dùng trong phần lễ của các lễ hội. Ông cho biết, phần lễ có 7 bài thuộc về yếu tố tâm linh nên những bản nhạc này phải nghiêm túc, không có tính vui nhộn. Một bản nhạc vang lên, ông bảo đó là nhạc dùng trong phần hội. Ông khoe vừa soạn xong một quyển giáo án với trên 30 bản khác nhau, dày hơn 100 trang; đồng thời, mở 3 lớp dạy cho hơn 30 người già trẻ, gái trai trong bản biết chơi và thêm yêu cây tính tẩu.
Chỉ với 2 dây nhưng cây tính tẩu có thể đệm cho các bài hát đơn ca, dân ca, tốp ca; đệm cho các bài múa; các lễ hội của người Thái như Kim Phan Then, Nàng Han, Kim Lẫu Khẩu Mẫu; đặc biệt là dùng cho các làn điệu xòe. Cây tính tẩu là loại nhạc cụ truyền thống độc đáo nhất của người Thái, không gì có thể thay thế, không có đàn tính thì không thể múa xòe.
Cây đàn có cấu tạo đơn giản, bầu đàn được làm bằng vỏ quả bầu khô, mặt đàn làm bằng gỗ lát, mỏ đàn được làm bằng gỗ trông giống mỏ gà. Đối với cây đàn tính tẩu, quan trọng nhất là phần bầu. Tiếng đàn hay phải chọn quả bầu già, vỏ mỏng vì đó là nơi tạo ra âm thanh. 3 năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã tổ chức hội thi liên hoan hát then, đàn tính, tạo sân chơi và cũng là góp phần vào việc lưu truyền tiếng đàn cho muôn đời. Hội thi năm 2010 vừa qua, ông Nông Văn Nhay được nhận giải thưởng nghệ nhân cao tuổi nhất liên hoan.
Không ồn ào như một số nhạc cụ hiện đại, cây đàn tính tẩu là tiếng lòng thật thà mà chất phát như cái bụng của bà con xứ Mường So. Nó gắn bó với đồng bào Thái từ đời này sang đời khác, lưu giữ những nét văn hóa đẹp và độc đáo có tự ngàn đời./.