Mùa cốm ở Đà Vị, Nà Hang (Tuyên Quang)
Truyền thống làm cốm ở Đà Vị (Nà Hang) không biết có từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi độ cuối thu khi ánh trăng lấp ló sườn non và bông lúa nếp cong cong lưỡi liềm tỏa hương thơm... thì khi ấy các bản làng xã Đà Vị rộn lên tiếng chày giã cốm.
Dưới ánh trăng thu vàng, bên bếp lửa hồng bập bùng, đôi tay của những người phụ nữ Tày, Mông, Dao đều đặn giã cốm. Tiếng chày va vào loỏng gỗ (cối làm từ thân cây gỗ liền đục ở giữa dài từ 2 - 2,5 m) rộn rã, mùi hương cốm thơm ngào ngạt.
|
Để có mẻ cốm ngon, giống lúa được lựa chọn là giống nếp cái hoa vàng của địa phương, đây là giống lúa được lưu truyền qua các thế hệ làm cốm của người Đà Vị. Đặc điểm của nó là hạt mẩy, đều bông, khi giã không bị nát, khi ăn có vị dẻo thơm thoảng nhẹ và không bị dính. Đó là hạt lúa mang hình con mắt, là hạt ngọc của đất trời ban tặng, là sự chắt chiu của bao dãi dầu mưa nắng, sự kết tinh của mồ hôi công sức của người lao động và của đất của nước.
Vào mùa cốm, khi những bông lúa uốn câu, những hạt lúa đã căng đầy sữa và đang đông đặc lại, đây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để người làm cốm ra đồng gặt mang về làm cốm. Sau khi đem về người làm cốm bó lúa thành những bó nhỏ rồi để lên những phên tre đã đan sẵn đặt trên bếp lò đỏ lửa hơ cho đến khi hạt lúa vừa chín. Lửa trong bếp lò lúc nào cũng phải đều, nhất là củi đun phải là thứ củi gỗ cháy âm, chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm. Tất cả cái khéo tay, cộng với những kinh nghiệm lâu đời làm cho đôi tay của người đàn bà ở Đà Vị đảo cốm trong những lò lửa, giã cốm trong loỏng gỗ và xảy những mẻ cốm vừa dẻo vừa mềm mại. Cốm làm xong thường được gói bằng lá chuối xanh, tạo nên mùi thơm đặc trưng đồng thời làm cho hạt cốm xanh bóng, đẹp và nhìn bắt mắt hơn…
Để tận hưởng món quà quê trang nhã mang hương vị của miền sơn cước này, người Đà Vị thưởng thức cốm và rồi còn chế biến ra nhiều món khác, không kém phần thích thú và hấp dẫn như: bánh cốm được làm bằng nhân đậu xanh giã thật nhuyễn với đường rồi gói vuông vắn trong lá chuối, ép lại sau một ngày mang thưởng thức; món bánh sừng bò, có hình giống sừng con bò được làm bằng cốm gói với lá chuối xanh rồi luộc lên đến khi cốm săn lại thì mang ra thưởng thức, hay món chè cốm xanh mướt đậm đà vị ngọt của đường kết hợp với vị thơm, dẻo của cốm, vị bùi của đỗ xanh.
Cứ đến mùa cốm, bà con nhân dân ở các bản đi hàng mấy cây số để cùng nhau tập trung đến các nhà, các thôn bản làm cốm. Dù là người Dao ở Bản Lục, Nà Bản, người Tày ở Phai Khằn, người Mông ở Nà Pin… dù nét văn hoá có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng đến mùa cốm người già, thanh niên, trẻ nhỏ lại cùng quây quần tập trung bên những lò làm cốm, vừa giã cốm vừa nhảy múa ca hát suốt đêm, suốt sáng. Cốm giúp người dân trong làng, trong xã có dịp hiểu nhau và gần nhau hơn. Cốm còn là nhịp cầu để trai gái của các thôn bản kết duyên nên đôi trong những đêm cùng chung vui làm cốm.
Với người Đà Vị, cốm không chỉ là món ăn, còn mang đậm tình quê, tình đất, tình người. Cốm làm xong trước khi ăn hay mang đi bán người làm cốm đều cúng gia tiên, cám ơn họ đã truyền cho con cháu giống lúa thơm, bí quyết cốm, đồng thời thể hiện sự kính trọng của con cháu với ông bà tổ tiên cầu mong ông bà tổ tiên họ tiếp tục phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, mùa màng bội thu. Cốm còn là món quà tặng những người đi xa, xuôi ngược không có dịp về quê, khi thấy mùi cốm Đà Vị họ thấy nao nao lòng hướng về quê nhà không phải chỉ nhớ cốm, mà nhớ bao nhiêu chuyện ấm lòng xung quanh mẹt cốm, bao nhiêu tình cảm xưa cũ thắm thiết, nồng nàn da diết.
Nguồn: Báo Tuyên Quang