Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống

Cập nhật: 29/11/2010 13:11:42
Số lần đọc: 1836
Những năm gần đây, liên tiếp diễn ra một số sự kiện quan trọng liên quan tới một số bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Ðó là việc UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Tương tự như vậy, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng có mặt trong danh sách này. Tiếp theo, Quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và đặc biệt, Ca trù được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ở đây, tự thân hai chữ khẩn cấp đã cho thấy tình trạng hiện tại của Ca trù. Nhưng, nếu nghiêm khắc và nhìn rộng ra, có lẽ chỉ Nhã nhạc cung đình Huế là khả quan, phần vì không phân tán trên không gian rộng, phần vì đó là bộ phận âm nhạc có tính bác học... Còn thực tế cho thấy, cũng như với Ca trù đang tồn tại chủ yếu ở một số câu lạc bộ, càng gần đây, Quan họ và Cồng chiêng như đang xa rời nôi sinh thành dân gian, thiếu tính phong trào rộng khắp, dẫn tới thiếu vắng nghệ nhân trẻ...

Trong khi đó, lâu nay công chúng thường chỉ được tiếp xúc với các hoạt động nghệ thuật kể trên trong các lễ hội, trong các buổi biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Tại một số nơi, từ cố gắng của chính quyền địa phương và ngành văn hóa, sinh hoạt còn được duy trì, như một số làng vùng Kinh Bắc, một số bản làng Tây Nguyên,... nhưng dường như có nơi lại theo xu hướng duy trì để phục vụ du lịch hơn là nuôi dưỡng để giữ được cái hồn của hoạt động nghệ thuật, từ đó tiếp tục phát triển. Tại một số khu du lịch, biểu diễn Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng được chú ý, trở thành yếu tố tạo nên sự hấp dẫn, đồng thời là một phương cách giới thiệu nghệ thuật cổ truyền với du khách. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, không khó để nhận ra các buổi biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở một số khu du lịch thường khá máy móc, đơn điệu, có lẽ vì diễn viên phải diễn nhiều ca liên tục, ít được bổ sung tiết mục mới mà chủ yếu sử dụng vốn cũ?

Là sản phẩm nghệ thuật ra đời từ nhu cầu và điều kiện vật chất - tinh thần trong quá khứ, Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng,... cùng một số hoạt động nghệ thuật cổ truyền khác như tuồng, chèo, đàn ca tài tử, bài chòi, cải lương,... từng có đời sống riêng trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Xã hội phát triển, nhu cầu và điều kiện vật chất - tinh thần trong cuộc sống được nâng lên trình độ mới, trong đó có sự xuất hiện của nhiều kiểu loại hoạt động nghệ thuật mới hấp dẫn và tiện dụng, đây chính là lúc các hoạt động nghệ thuật cổ truyền khó tránh khỏi tình trạng dần dà mai một trong sinh hoạt hằng ngày, số người tham dự và tham gia sáng tạo ngày càng ít, các nghệ nhân cao tuổi - người trực tiếp lưu giữ và có khả năng truyền dạy, ngày càng vơi mỏng...

Việc một số hoạt động nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ta được UNESCO tôn vinh, một mặt, đã cho thấy giá trị và ý nghĩa của chúng, mặt khác, đòi hỏi chúng ta cần xác định trách nhiệm cao hơn trong bảo tồn, phát triển. Nhã nhạc, Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng... là tài sản văn hóa quý giá của cha ông trao lại. Tiếp tục bảo tồn, phát triển như thế nào là trách nhiệm của các cơ quan văn hóa, của các địa phương, của mỗi người. Và cần tránh xu hướng bảo tồn để biểu diễn xuân thu nhị kỳ, phục vụ du lịch, mà thiếu quan tâm đến cội rễ, sinh khí từ cuộc sống.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT