Dân dã mắm sống bần chua ở Tây Nam Bộ
Món này có thể ăn kèm cơm nguội nhưng không phải là một món ăn cho no bụng mà đơn giản chỉ là một món ăn chơi. Người Nam Bộ không dùng nó để đãi đằng khách quý cũng không chọn làm thứ cao lương mỹ vị nhưng có một cái gì đó rất dân dã, rất thôn quê mà cái vị chua và chát của bần kết hợp cùng vị mặn của mắm, vị ngọt đằm của cơm đã nguội thì cứ phải nhớ phải thèm, để rồi trong một buổi xế đói bụng chợt nhớ à phải ăn món đó. Thường thì ăn món này ngon nhất là tháng 7, tháng 8 khi đó trái bần vừa dôn dốt chưa chín hẳn, cơm quả chưa thành bột nhưng cũng không còn cứng, người ăn có thể thưởng thức quên thôi. Có thể ai không thích chua thì bảo ê răng, nhưng với những người thích ăn thì có chua mấy, ê răng mấy cũng có cách trị, đó là quả khế chua vừa chín nếu ăn vào vài lát khế, cảm giác ê răng sẽ biến mất.
Có lẽ thời xưa ở vùng Nam Bộ còn hoang vu lắm, rừng thiêng lại nước độc nhưng hễ cây nào có trái thì cũng có thể ăn được nhất là vùng bãi bồi phù sa cây bần nhiều vô kể; ghe thuyền đang đi trên sông, có nấu sẵn nồi cơm khều thêm trái bần ăn cùng mắm là đã no bụng. Bây giờ không còn như xưa, thức ăn thức uống không thiếu thứ gì nhưng lâu lại thiếu hương vị ngày xưa, thế là lại ăn để kỷ niệm vậy mà. Nếu có ai về miền Tây vào dịp hè, đừng quên thưởng thức món này nhé, tuy không hấp dẫn như lẩu mắm, cá lóc nướng trui hay bò tùng xẻo nhưng là một hương vị lạ của vùng đồng bằng sông nước.