Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch

Cập nhật: 30/12/2010 14:12:54
Số lần đọc: 2351
Năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành VH,TT&DL và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch lấy lại đà tăng trưởng.

Tổng lượt khách du lịch ước đạt hơn 1.486,5 nghìn lượt khách, tăng 11,8% so năm 2009; trong đó, khách quốc tế 612,5 nghìn lượt, tăng 7,9%, khách nội địa 874 nghìn lượt, tăng 14,8%. Doanh thu du lịch ước đạt 917,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5%.  

Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức có quy mô lớn, chất lượng cao diễn ra liên tục từ đầu năm nhân các ngày lễ lớn, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành du lịch; lễ hội “Sóng nước Tam Giang” tổ chức lần đầu tiên đã thu hút được nhiều khách tham quan nhờ nội dung lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc; đặc biệt, Festival Huế 2010 được đánh giá “quy mô lớn nhất, hoành tráng nhất, đặc sắc nhất”, đã thu hút hơn 130 nghìn lượt khách đến Huế trong dịp Festival, trong đó hơn 30 nghìn lượt khách quốc tế. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai sớm qua nhiều hình thức và kênh thông tin; đã tổ chức nhiều hoạt động theo Chương trình xúc tiến và kích cầu du lịch năm 2010, phối hợp với Quảng Nam và Đà Nẵng tổ chức giới thiệu chương trình du lịch “Ba địa phương - một điểm đến”; ký kết hợp tác phát triển của các tỉnh trong tua du lịch “Hành trình qua các Kinh đô Việt Cổ”; tham gia Tuần Văn hoá Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch...

 

Thừa Thiên Huế được bình chọn là 1 trong 3 địa phương hấp dẫn du lịch nhất của Việt Nam. Đồng thời, một tin vui đến với chúng ta là Thừa Thiên Huế vừa được Chính phủ chọn là địa phương thực hiện năm du lịch quốc gia 2012. Đây là cơ hội hết sức thuận lợi để nâng tầm du lịch của tỉnh bằng việc thụ hưởng nhiều chương trình quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch của Trung ương.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng mạnh dạn nhìn vào những hạn chế của du lịch Thừa Thiên Huế để có hướng khắc phục như môi trường kinh doanh du lịch vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, sản phẩm du lịch tuy được cải thiện song vẫn nghèo nàn, manh mún, chưa thật sự tạo được sản phẩm du lịch mạnh; chất lượng phục vụ khách du lịch thiếu các dịch vụ về hoạt động vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, du lịch làng nghề, khu mua sắm hàng lưu niệm, khu ẩm thực; sự phối hợp liên kết giữa các đơn vị trong tổ chức dịch vụ đón khách thiếu chặt chẽ nên chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; thời gian lưu trú và khả năng chi tiếu của khách du lịch còn quá thấp. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ. Đặc biệt là việc quảng bá du lịch còn hạn chế về cả kinh phí và phương thức xúc tiến, quảng bá. Nhiều di tích lịch sử hấp dẫn nổi tiếng chưa được trùng tu, tôn tạo, khai thác như Hổ Quyền, Voi Ré, Hồ Tịnh tâm...

 

Để thực hiện chỉ tiêu dịch vụ tăng 12 – 12,5 % và chiếm 45,5% trong cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP của tỉnh năm 2011, du lịch cần đạt được tốc độ phát triển nhanh và vững chắc trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hợp lý tổng thể các tiềm năng, lợi thế về du lịch tỉnh nhà. Trong đó, cần tập trung hoàn thành đề án Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến 2020 và định hướng đến 2030. Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng thành phố Festival, khẩn trương hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cả 3 cấp, chương trình hành động quốc gia về du lịch, các chương trình phát triển du lịch của tỉnh. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng và khai thác tour du lịch đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thực hiện đề án tour du lịch làng nghề đúc đồng, phát triển mô hình “kinh doanh du lịch cùng người nghèo”. Tiếp tục phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, nhất là giao thông đến các khu, điểm du lịch. Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án: Khu du lịch Laguna Huế, khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Chuối, khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana, khu du lịch Bí ẩn Hành Hương, Khách sạn Petrolimex Huế, Khách sạn U Hotels,… Sớm thống nhất chủ trương và có cơ chế khuyến khích phát triển kinh doanh bất động sản du lịch theo hình thức time share. Đồng thời, có kế hoạch sớm xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với quảng bá văn hóa Huế, Năm du lịch quốc gia tại Huế 2012 gắn với Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế năm 2011 với những chương trình đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn du khách...

 

Ngoài ra, cần có chương trình liên kết chỉ đạo thực hiện khai thác con đường di sản miền Trung và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, khai thác thị trường khách du lịch Thái Lan đến với miền Trung qua tuyến đường bộ, đồng thời đề xuất Trung ương tháo gỡ những vướng mắc, tạo điền kiện về xuất nhập cảnh và quá cảnh đối với phương tiện giao thông đường bộ. Khẩn trương và tích cực chuẩn bị các điều kiện để đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia 2012 tại Huế. Hỗ trợ đào tạo lao động trong các lĩnh vực dịch vụ du lịch của các hộ kinh tế cá thể. Thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch...

Nguồn: Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục