Hoạt động của ngành

Lục Ngạn (Bắc Giang) - Những tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 30/12/2010 14:12:02
Số lần đọc: 2734
Với diện tích rộng, nhiều đồi núi ngút ngàn cây xanh, trữ lượng nước các hồ lớn, cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc trưng của các dân tộc, những năm qua, Lục Ngạn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lớn phát triển du lịch.

Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để huyện triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển du lịch.

 

Cùng với những địa danh lịch sử, với truyền thống yêu nước, con người Lục Ngạn không chỉ dũng cảm trong đánh giặc giữ nước mà còn giỏi giang trong xây dựng quê hương giàu đẹp, với bao kỳ tích lưu truyền. Nơi đây có Ải Nội Bàng (còn có tên là Bàng Quan, thành nhà Mạc). Đây là chiến ải lớn nhất nằm ở khu vực giữa sông Lục Nam. Cùng đó Ải Xa Lý còn có tên là Ải Khả Ly nằm trên con đường mòn từ Xa Lý sang Lộc Bình của Lạng Sơn. Ải này nằm trên eo của núi Ải, đoạn thắt lại hiểm trở nên thường gọi là Đèo Ải ở độ cao trên 500m, đỉnh đèo là cửa Ải Xa Lý. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông. Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng phòng tuyến Xa Lý - Nội Bàng và đặt đại bản doanh ở Nội Bàng (khu vực xã Phượng Sơn).

 

Về sinh thái, Lục Ngạn có khu du lịch hồ Khuôn Thần với tổng diện tích 2.700 ha, có 1000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 500 ha, rừng thông 500 ha và hồ Khuôn Thần rộng 140 ha, với dung tích 10 triệu m3  nước, trong hồ có 5 đảo lớn và 7 đảo nhỏ. Nơi đây đã được phủ kín thông, du khách có thể tắm hồ, leo núi, bơi thuyền thăm các đảo và thắp hương ở đền thờ Hồ Công Trạc, một vị tướng quân người dân tộc thiểu số. Trên đất Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần nổi lên như  một viên ngọc lấp lánh giữa rừng núi mênh mang. Không chỉ vậy, hồ Cấm Sơn với diện tích rừng bao quanh 21.800 ha, diện tích mặt nước hồ 2.400 ha, dung tích nước hồ 307 triệu m3 đang được quy hoạch phát triển thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Đặc biệt, đặc sản cá nước ngọt ở hồ Cấm Sơn và những món ăn nổi tiếng khác của các dân tộc như khau nhục, voỏng mún, bánh hút, bánh bìa, bánh phổi bò, chè phao... rất hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra còn phải kể đến hồ đập Làng Thum thuộc xã Quý Sơn với diện tích mặt nước 126 ha, dung tích 8.334.000m3 diện tích lưu vực là 27,5 km2, diện tích tưới tiêu cho 700 ha, là nơi nuôi trồng thuỷ sản và vườn cây ăn quả xung quanh hồ rất phù hợp cho khách tham quan du lịch, nghỉ dưỡng.

 

Nằm trong hệ thống văn hoá tâm linh, núi Am Vãi (còn gọi là núi Am Ni, núi Quan âm) nằm ở giữa địa phận các xã: Nam Dương, Tân Mộc, Tân Lập, Nghĩa Hồ thuộc sơn phận Yên Tử. Đá ở núi là đá cát kết khối lớn. Trên đỉnh núi Am Ni có một ngôi chùa mang tên chùa Am Vãi ở phía bắc núi trên độ cao hơn 400m. Kề bên ngọn Am Vãi có núi Bàn Cờ Tiên. Cạnh đó là các khu núi mang tên Hang Tiền, Hang Gạo có nhiều truyền thuyết về những hang này. Núi Am Ni là một núi lớn, cảnh sắc bốn mùa khác nhau, rất đẹp, lại có ngôi chùa cổ trên đỉnh núi được liệt vào hàng danh sơn, thắng tích, hàng năm mở hội vào ngày 3/3 âm lịch.

 

Điểm du lịch thuộc các cụm di tích được cấp bằng công nhận "Di tích lịch sử văn hoá" như: đền, chùa Hả (xã Hồng Giang), được mở hội vào mồng 6,7,8 tháng giêng hàng năm, thờ tướng quân Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc). Đây là một lễ hội có quy mô lớn còn lại đến ngày nay trên đất Lục Ngạn. Cùng với lễ hội Từ Hả, Lục Ngạn còn nhiều lễ hội dân gian đặc sắc khác như hội đền Khánh Vân, được tổ chức vào hai ngày 19-20 tháng 2 âm lịch thờ tướng quân Vi Hùng Thắng thời Trần. Một số hội khác như: Hội đền Tam Giang, hội đền Chể, đền Cầu Từ... Và đặc biệt là hội hát dân ca của các dân tộc thiểu số vùng Lục Ngạn và dịp 17-18 tháng 2 âm lịch hàng năm cũng là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.

 

Ông Lê Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết: Với truyền thống văn hoá và bề dày lịch sử, vị trí địa lý khá thuận lợi cho một vùng cây ăn quả đang trên đà phát triển, Lục Ngạn đã trở thành "kinh đô" mới của vải thiều, hồng Nhân hậu nổi tiếng cả nước, những sản phẩm nông sản nổi tiếng khắp nơi: gạo bao thai hồng Lục Ngạn, nếp cái hoa vàng Phì Điền, mỳ Chũ, gà đồi, rượu Kiên Thành... Tất cả cho thấy một tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Đó là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với du lịch tâm linh, tín ngưỡng, tìm hiểu giá trị văn hóa các di tích lịch sử. Bên cạnh đó, những yếu tố như làng nghề truyền thống (làng mỳ Thủ Dương, còn được gọi là mỳ Chũ), những món ăn đặc sản của địa phương sẽ làm cho sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn. Với tiềm năng ấy, những năm qua, du lịch Lục Ngạn đã bước đầu được hình thành và phát triển. Đến nay, hồ Cấm Sơn đã được Tập đoàn Hưng Thịnh Phát tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư nhiều hạng mục như khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, nhà hàng… tổng kinh phí khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hồ Khuôn Thần hiện cũng có một số doanh nghiệp tìm hiểu về cơ hội đầu tư, phát triển thành khu điểm du lịch. Cùng đó các lễ hội đặc sắc như hội hát dân ca các dân tộc, hội đền Hả, các di tích như chùa Am Vãi, vùng vải thiều Quý Sơn… cũng thu hút được một lượng lớn du khách.

 

Tuy nhiên, du lịch Lục Ngạn vẫn còn nhiều khó khăn như việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông. Đặc biệt, tại các điểm du lịch vẫn còn thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc; hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng cũng chưa được đầu tư, phát triển… do đó không thu hút được nhiều du khách. Chính vì vậy việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn với đề án xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi quốc gia giai đoạn 2 là rất cần thiết. Lục Ngạn cần tranh thủ các nguồn vốn từ tỉnh, trung ương để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ du lịch, trình độ chuyên môn, trong đó chú trọng cán bộ là người dân tộc. Đặc biệt, tập trung phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng: du lịch vùng sơn cước với các loại hình vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật truyền thống của huyện, vừa phục vụ du khách, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc như: hát dân ca các dân tộc: soóng cộ, soong hao, soọng cô, sli, lượn, những đêm lửa trại truyền thống và trang phục, đồ dùng, thổ cẩm dân tộc... Có như vậy tiềm năng du lịch của Lục Ngạn mới được phát huy, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong tương lai.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục