Non nước Việt Nam

Thưởng thức các món ăn dân tộc ở Sơn La

Cập nhật: 31/12/2010 08:30:21
Số lần đọc: 3007
Khác với các món ăn thường thấy ở các khách sạn, nhà hàng, các món ăn dân tộc ở Sơn La hầu hết các nguyên liệu được lấy từ cây rừng, từ ao vườn, ruộng đồng do những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ chế biến thành món ăn đặc sản thơm ngon, khó quên và gợi mời.

Trước hết, phải kể đến món Cơm Lam, đây là món ăn thường thấy trong các tiệc tùng, lễ hội của nhiều dân tộc ở Sơn La. Được làm từ gạo nếp, nhưng cơm lam là loại cơm đặc biệt ngon vì nó không được nấu theo cách thức thông thường mà được đốt trên bếp củi bằng những ống tre rừng còn xanh non. Gạo nếp ngâm ủ qua đêm được cho vào từng ống tre non, một loại tre rừng đặc biệt có lớp vỏ lụa mỏng bên trong lòng, đổ thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối rồi đưa lên bếp đốt cho đến khi vỏ ống tre cháy sém. Sau đó chẻ tách phần cật, chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng khúc cơm lam trắng nõn nà. Trên lớp vỏ lụa trắng mỏng ấy có thoáng chút mặn, chút hương của rừng và của khói làm cho khúc cơm lam vừa dẻo vừa thơm, chấm với muối vừng, chẩm chéo hay thịt hun khói thì đậm đà biết mấy.

Hay như món cháo “Mắc nhung” mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị. Ngày nay, cháo “Mắc nhung” đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo Mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả Mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo "Mắc nhung" đặc sản thơm nồng, đặc sánh.

Vào mùa măng lay, măng đắng bà con vào rừng hái về, bó lại từng bó, luộc cả vỏ để măng mềm và có tác dụng hút bớt chất he, chất đắng. Món măng lay, măng đắng luộc chấm với "chẩm chéo", kèm theo lá chát đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc lớn hay bữa cơm gia đình. Không có "chẩm chéo" món măng lay, măng đắng không thể ngon được. Chẩm chéo được chế biến từ muối, ớt tươi nướng, hành, tỏi, rau mùi… và đặc biệt không thể thiếu loại trái rừng có tên là mắc khén, tất cả được giã nhuyễn. Không có mắc khén không nên chẩm chéo, không có chẩm chéo không thành bữa cơm ngon. Cũng vào mùa măng, nhất là măng tre, măng bương, bà con dân tộc Thái, Mường thường hay hái đem về để làm "Nó xôm" (măng chua) ăn dần. Măng đem về thái nhỏ hoặc giã cho vào hũ ủ lên men, càng để lâu càng chua, càng thơm. Món măng chua chủ yếu để xào với thịt gà tơ hay các loại lòng lợn, gà và xào với thịt mỡ ăn đỡ ngấy và ghém với rau sống rất tuyệt vời. Cũng từ măng chua, bà con còn làm ra măng héo (Nó héo). Chỉ cần vắt măng chua kiệt nước phơi nhiều ngày cho khô quắt lại, đem đồ xôi, rồi lại phơi thật khô, sau đó cho vào ống hay gói lá khô để dùng dần. Nó héo là một đặc sản. Món lòng xào chỉ cần cho một nắm "Nó héo", sẽ có vị chua ngon và rất thơm.

Ngày lễ tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh Mọ, được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon. Ngoài ra, người Thái cũng thường hay làm món Mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam thì tuyệt vời biết mấy...

Pa pỉnh tộp (cá nướng), nhứa dảng (thịt hun khói) là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các bữa tiệc đãi khách của người dân Sơn La. Cũng là con cá lấy từ suối, từ ao, nhưng món Pa pỉnh tộp được chế biến bằng cách rạch mổ trên sống lưng, moi sạch lòng, cho mắc khén, ớt, gừng, sả và gia vị vào, gập đôi con cá lại gắp nướng. Khi chín mở ra, gia vị ngấm đều, ăn miếng cá nướng cảm thấy dậy mùi rất thơm ngon và hấp dẫn. Về với phiên chợ nổi trên hồ sông Đà, du khách còn được thưởng thức món cá lam với xả, tôm trần chấm mắm, cá sông nướng bếp củi nóng ròn, thơm ngậy, nhắm với rượu đồ, bồng bềnh nghiêng ngả cùng sóng nước mênh mang...

Món bắt tay sau khi cụng ly cạn chén với khách mời cũng là một đặc sản. Rồi những tiệc tùng giã bạn, tay trong tay, "Sơn La thấp, Sơn La cao" với những điệu xoè cuốn hút mê say trong tình cảm bịn dịn kẻ đi người ở. Sau khi liên tục "au hảnh" (cạn ly) rồi ngất ngây bên hũ rưọu cần cong vít và ánh mắt nhìn lúng liếng mê hồn của mấy cô gái Thái...để rồi tình đã say, men đã ngấm, đành cho ra "sản phẩm", mọi người mới bừng tỉnh và thốt lên rằng: "Thảo nào thằng Pháp thua trận ở Điện Biên bởi vì nó bị ngắc ngoải bại trận từ Sơn La rồi!"

Nói vui vậy thôi, chứ thú thật bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc, đến với Sơn La giàu lòng hiếu khách, có dịp quây quần ngồi bên bếp lửa hồng, nhâm nhi một ly rượu đồ men lá hay làm "một sừng" rượu cần nồng nàn, ăn một miếng cơm lam, hay một bát cháo Mắc nhung ngọt ngào; thưởng thức một miếng thịt hun khói, một đĩa măng lay... thì mới cảm nhận hết được hương vị núi rừng của nền văn hoá ẩm thực nơi đây.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT