Đặc sản bún nước lèo Sóc Trăng
Đi tìm nguyên nhân của bún nước lèo Sóc Trăng “quyến luyến” khẩu vị khách, ta mới thấy rằng nó có những đặc trưng mà các nơi khác không có được. Nếu như bún nước lèo Trà Vinh nổi tiếng nhờ rau ghém (hẹ, bắp chuối xắt) ngon giòn thì bún nước lèo Châu Đốc được khách hàng ưa chuộng nhờ ăn kèm với thịt quay và nhất là bông điên điển – đặc sản mùa nước nổi ở đây. Riêng bún nước lèo Cần Thơ nổi tiếng với “thương hiệu” bún mắm, là một sự pha tạp giữa một vài dòng bún khác nhau. Cũng là con mắm sặc làm nên nước lèo, nhưng tô bún có thêm thịt heo quay, chả lụa, có nơi còn thêm cái bánh cống cắt tư. Vì thế cái ngon của nó là một sự tổng hợp.
Trở lại với bún nước lèo Sóc Trăng, khách sành ăn được thưởng thức một tô bún ngon, ngọt mặn tình đất tình người. Những sợi bún trắng ngà vừa mềm mát, dai dai cộng với rau ghém giòn ngon trong răng cắn hòa với nước lèo mặn ngọt đúng độ khiến ta nhớ mãi món ăn ngon. Món ăn càng ngon hơn khi ta được tận hưởng những lát thịt trắng nâu ngọt ngào của những con cá lóc đánh bắt từ môi trường thiên nhiên. Lại càng ngon hơn khi khách vừa ăn vừa hít hà vì vị cay, chua của ớt, giấm (hoặc chanh). Nhất là ăn vào buổi sáng sớm, vào buổi chiều tối hoặc những ngày mưa lạnh, cái nóng ấm của tô bún làm ta sảng khoái khôn cùng!
Theo một vài người am hiểu, bún nước lèo Sóc Trăng ngon còn được nấu bằng nước dừa xiêm, xương heo. Nước lèo phải trong và có màu cánh gián nhạt. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vì làm nên danh tiếng cho bún nước lèo Sóc Trăng còn đòi hỏi sự có mặt của ngải bún – một loại củ nhỏ cỡ ngón tay. Cho nên cái ngon của bún nước lèo Sóc Trăng còn là cái ngon của ngọt mặn tình đất, tình người. Đất cũng tặng cho người những con cá sặt ngon lành, những con cá lóc tươi nguyên, những củ ngải vàng sậm…. Từ đó, dưới bàn tay tài hoa của những người dân tộc Khmer nó đã được thăng hoa thành món ăn nổi tiếng chẳng riêng gì khu vực ĐBSCL.