Non nước Việt Nam

Đình làng - Gương mặt kiến trúc Việt cổ

Cập nhật: 26/06/2008 14:06:40
Số lần đọc: 2877
Mỗi làng quê Việt Nam đều có một ngôi đình. Đó là nơi thờ Thành Hoàng làng (vị thần bảo trợ của làng). Vào mỗi dịp lễ, Tết, đình trở thành trung tâm văn hóa của làng mà ở đó, tất cả kho tàng văn hóa tích lũy từ đời này qua đời khác được thể hiện đầy đủ nhất.

Về mặt tạo hình, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, đình làng là gương mặt của nền kiến trúc Việt cổ. Nó không chỉ là công trình oai nghiêm và đồ sộ nhất trong khung cảnh làng quê Việt Nam nghèo nàn thời quân chủ, mà còn là nơi bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc dân tộc bởi ít phải chịu ảnh hưởng của kiến trúc ngoại sinh. Đặc biệt, qua một thời gian dài nghiên cứu, chắt lọc, người ta còn phát hiện từ đình làng một kho tàng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam mà sự khéo léo, tài tình của những người thợ được thể hiện trên từng nét vẽ, chạm khắc. Xét trên mặt bằng tổng thể, trước đình làng luôn là ao đình (tròn hoặc bán nguyệt), tiếp đến là sân đình với nhiều hàng cây cổ thụ. Đây là hai yếu tố quan trọng trước tiên tạo nên diện mạo đình làng mà các kiến trúc gia nước ngoài thường gọi là “nền kiến trúc họa cảnh”. Tòa đình chính (đại đình) thường là một căn nhà lớn lợp ngói mũi kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Thế nhưng, bốn tàu mái cao rộng đó không trở nên nặng nề nhờ bốn góc có bốn tầu đao cong vút như nâng các tàu mái bay bổng. Kiểu mái này chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc truyền thống Việt Nam, khác hẳn với kiểu tàu hộp hay giả tàu của nền kiến trúc Trung Hoa mà ta thường thấy trên hầu hết các mái nhà ở cố đô Huế.

Kiến trúc đại đình có nét chung của nền kiến trúc gỗ phương Đông, dựa trên sự liên kết của các bộ vì. Sức nặng của tòa nhà do cột trong vì đảm nhiệm nên khi ấy, tường nhà không phải là cơ sở chịu lực mà chỉ làm nhiệm vụ ngăn che nắng mưa, gió bão. Tuy nhiên, khác với các dân tộc khác, kiến trúc đình làng Việt cổ là một không gian mở, mỗi khi làng có việc, cửa bích bàn bốn mặt đình được dùng làm bàn tiệc, khiến bốn mặt đình càng trở nên thông thoáng.

Cột trong nền kiến trúc cổ Việt Nam đều được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, không sơn vẽ và được liên kết với nhau bằng các kiểu khác nhau: kèo lẻ, con rường hoặc kết hợp của hai loại liên kết trên (thượng rường - hạ kẻ). Kiến trúc đình Việt Nam trước thời Nguyễn thường chỉ sử dụng hai kiểu liên kết: kèo lẻ và trên rường - dưới kẻ. Tuy nhiên, kiểu liên kết cổ nhất là kèo lẻ - một kiểu liên kết ta không thấy trong nền kiến trúc Trung Hoa.

Ở đình làng, chúng ta rất dễ nhận ra hầu hết các thành phần kiến trúc đều được chạm khắc trang trí. Ngoài các hình rồng, phượng, hoa lá, ta thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng hình ảnh những ngày hội làng, những khung cảnh lao động nhọc nhằn hay bức vẽ thể hiện tình yêu mẹ con, chồng vợ và cả những lời lên án chế độ quân chủ hà khắc thời phong kiến. Tất cả những điều ấy là dấu ấn tuyệt vời cho các thế hệ mai sau hiểu và cảm được không khí sinh hoạt của cộng đồng làng xã thời xưa, đồng thời là bản sắc của nền kiến trúc cổ Việt Nam – một bản sắc văn hóa và lịch sử sâu sắc nhất.

Nguồn: website báo Công an TP.HCM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT