Non nước Việt Nam

Lịch Đoi - nét văn hoá truyền thống của người Mường Bi (Hòa Bình)

Cập nhật: 19/01/2011 09:01:52
Số lần đọc: 2245
Tại Mường Bi (Tân Lạc) vẫn còn nhiều gia đình còn giữ được những nóc nhà sàn, nhiều giá trị văn hoá cổ của người Mường, một trong những giá trị văn hoá đó là cách tính lịch riêng mà người Mường ở Mường Bi hay gọi là lịch Đoi loại lịch này hiện vẫn còn giữ gìn trong các gia đình trí thức truyền thống của người Mường hay những gia đình thuộc tầng lớp các thầy mo.

Cùng với việc xem lịch phổ thông để biết ngày, tháng tốt, thì ở vùng Mường Bi, đồng bào Mường còn tìm đến các thầy mo để xem lịch cổ để chuẩn bị cho mùa lễ hội Khai hạ hay xuống đồng vào dịp đầu xuân, năm mới.

 

Theo cách tính của người Mường xưa, sao Đoi chuyển dịch nhanh hơn mặt trăng, vị trí giữa sao Đoi và mặt trăng tuỳ theo các tháng trong một năm, khi sao Đoi vượt qua mặt trăng, người Mường gọi đó là ngày Đoi vào hay ngậm Đoi. Căn cứ vào các ngày Đoi vào và sự chuyển dịch của các ngày đó mà người Mường phân biệt tháng, ngày trong một năm. Người Mường ở Mường Bi có cách tính lịch khác với người Mường ở các nơi khác gọi là cách tính ngày lùi, tháng tới, tháng giêng lịch Mường Bi ứng với tháng 10  của lịch Mường các nơi khác và tháng 10 âm lịch. Theo lịch Đoi, người Mường Bi quan niệm một năm có 12 tháng, trên mỗi thẻ có khắc ký hiệu khác nhau mỗi tháng có tên riêng, để tính toán, xem  ngày, giờ tốt xấu cho khởi sự công việc, các tháng đó đều tính sớm lên so với tháng âm lịch của người Việt 4 tháng và bắt đầu một năm mới tính theo lịch của người Mường vào tháng 4 lịch Đoi. Bởi vậy, người Mường ở Mường Bi mới có câu nói khái quát những đặc điểm trong sinh hoạt của dân tộc Mường: cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới. Nhiều mo làng ở Mường Bi như bác Bùi Văn Lưu, Bùi Văn ểu cũng không nhớ được lịch Đoi được ra đời từ khi nào, chỉ biết được rằng lịch Đoi được truyền qua nhiều thế hệ và được lưu giữ cho đến tận  hôm nay.

 

Bác Bùi Văn Lưu, xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: Lịch Đoi được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu sau này, trên đó có vạch khắc những hình tượng trưng cho ngày mưa, ngày bão, ngày hao, ngày lỗ, ngày cá, ngày thú. Lịch Đoi người Mường làm trên 12 thanh tre, có chiều dài mỗi thanh khoảng 20 cm, rộng chừng 3 cm, thể hiện 12 tháng  trong năm. Cùng với những vạch khắc trên đó, người Mường xưa đã đúc kết được những ngày, tháng trong một năm theo quy luật tự nhiên; tên trong tháng lịch Đoi Mường Bi có 10 tháng được đặt tên theo hệ số từ 1 đến 10, còn hai tháng còn lại là tháng giêng và tháng chạp đều có tên khác.

 

Bác Bùi Văn Ểu, mo xóm Lầm, xã Phong Phú cho biết thêm: Lịch Đoi không thay đổi theo  năm, 12 thanh tre được người Mường sử dụng trong suốt cuộc đời, trên đó đục lỗ, cảnh báo những ngày  làm ăn thua lỗ hoặc thất bại, tháng nào càng nhiều lỗ càng nên tránh và có những ngày đại lỗ không làm một công việc gì hết. Theo qua niệm của người Mường, 1 tháng của người Mường có từ 29 đến 30 ngày, được khắc dọc sống của thanh tre, lịch được chia làm 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày và có tên gọi khác nhau như thượng tuần gọi là ngày kâl, trung tuần gọi là ngày loồng; hạ tuần gọi là ngày cối. như vậy, ngày 11 trong lịch Đoi được gọi là 1 loồng và ngày 21 được gọi là ngày 1 cối, còn ngày mùng 1 gọi là ngày 1 kâl; một năm theo lịch Đoi được chia làm 8 giai đoạn và mỗi giai đoạn có tên gọi khác nhau. Bác ểu cũng cho biết thêm: Thượng tuần - 10 ngày đầu gọi là ngày kâl, những ngày này người Mường tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới, được vạch khắc cùng chiều với 10 ngày cuối tháng - hạ tuần Hạ tuần là những ngày hết trăng, người Mường thường không làm công việc gì hết trong những ngày này, nếu làm sẽ bị thua lỗ hoặc công việc sẽ không suôn sẻ. Trung tuần - 10 ngày giữa tháng dược vạch khắc ngược sống tre, khác chiều với ngày kâl và ngày hết trăng, được người Mường gọi là ngày loồng - ngày có trăng, nếu sinh vào ngày này trẻ con sáng dạ, thông minh.

 

Các thầy mo và người Mường vẫn thường chọn và làm mùa vào ngày Kâl tha, tháng một, chạp Mường Bi được coi là công việc làm ăn sẽ thuận lợi, sẽ được mát mẻ, nhẹ nhàng, còn làm nhà vào ngày râl trong tức tháng hai, tháng ba âm lịch Mường Bi sẽ được kín đáo, chắc chắn. Đúc kết từ những kinh nghiệm trên, người Mường Bi có câu hát vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay:

 

      Thướm tha được cái may thú

      Thướm trong được cái may cá

      Khoá hồ được giờ đi đường

      Thướm ngàng may cơm, may rượu

 

Ông Bùi Văn Linh, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc cho biết: Lịch Mường Bi là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đời của người Mường xưa và là biểu hiện rực rỡ của tư duy Mường - Việt trong  nhận thức thế giới, một sự tổng hợp của các sự phân kỳ, phân thời gian trong suốt một năm dựa trên cách tính toán, căn cứ vào sự vận động của mặt trăng, kết hợp với hậu vật. Lịch Mường cần được lưu giữ bởi hiện tại  ít người biết xem lịch Đoi, chỉ những thầy mo có tuổi mới có nhận xét chính xác từng ngày trong tháng và từng tháng trong năm. Tết Tân Mão đang cận kề, người Mường ở Hoà Bình cùng với bà con dân tộc khác trong và ngoài tỉnh đang chuẩn bị quây quần bên nồi bánh chưng, cùng gia đình đón năm mới cầu chúc an lành cho mọi người trong gia đình.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT