Du lịch Bình Thuận hướng đến những mục tiêu mới
Khẳng định thương hiệu du lịch
Đó là thương hiệu du lịch biển và sinh thái biển được định hướng phát triển qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến 2020, tầm nhìn 2030”. Tính đến tháng 12/2010, đã có 404 dự án du lịch (35 dự án nước ngoài) được chấp thuận với tổng vốn 61.372 tỷ đồng và diện tích cấp đất là 8.411 héc ta.
Thương hiệu du lịch biển còn thể hiện ở việc đầu tư thực hiện các đề án phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn phát triển cảnh quan du lịch và xây dựng hạ tầng du lịch. Hàng loạt công trình đã triển khai trong năm như: đường nối Quốc lộ 1A vào ga Phan Thiết mới, hệ thống xử lý nước thải Hòn Rơm, thoát nước phía Đông đường 706B, đường dây điện 220KV Hàm Thuận – Phan Thiết, kè Đồi Dương – Thương Chánh, chuẩn bị xây chợ Phan Thiết mới, hệ thống chiếu sáng đường Long Sơn – Suối Nước.
Cùng với công tác quảng bá hiệu quả hình ảnh điểm đến thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch luôn được tăng cường trên nhiều mặt để duy trì thương hiệu đã được khẳng định. Đó là khảo sát tình hình phát triển du lịch và nâng cấp khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, triển khai đề án City tour Phan Thiết giai đoạn 2009-2015.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phát triển du lịch Bình Thuận, trong số 2,5 triệu lượt khách đến Phan Thiết – Bình Thuận đã có 254.230 lượt khách quốc tế đến từ Nga, Đức, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Úc, Thụy Điển, Trung Quốc, Anh, Hà Lan. Thời gian lưu trú của khách đã tăng lên 3,15 ngày/khách quốc tế, 1,52 ngày/khách nội địa. Công suất phòng bình quân trong năm là 58%, các dịp lễ, tết hay cuối tuần đạt trên 80%, riêng các khách sạn, resort 3-4 sao luôn đạt xấp xỉ 100%. Đặc biệt, cùng với khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, các khu du lịch khác đã bắt đầu được khách du lịch chọn lựa và tìm đến ngày càng đông như Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong đã góp phần khẳng định nên thương hiệu du lịch Bình Thuận.
Hướng đến những mục tiêu mới
Tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, ngành du lịch Bình Thuận đề ra các mục tiêu trong năm 2011 là đón 2,8 triệu lượt khách (tăng 12%) và tổng doanh thu đạt 3.250 tỷ đồng (tăng 30%).
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, để đạt những con số đầy ý nghĩa trên ngành du lịch phải hoàn thành tốt nhất 7 giải pháp chủ yếu, trong đó quan tâm nhất là công tác hoàn thiện quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch lợi thế. Bên cạnh hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, sẽ xây dựng đề án quy hoạch phát triển các loại hình kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ khu vực Hàm Tiến – Mũi Né. Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm mới như trung tâm mua sắm, khu ẩm thực, vui chơi giải trí, làng nghề du lịch cũng như tổ chức thường xuyên các hoạt động tại các điểm du lịch phục vụ du khách. Không chỉ tạo thuận lợi môi trường đầu tư, năm 2011 Bình Thuận còn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó có những dự án rất lớn là đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đường sắt cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết, cảng Kê Gà. Hay các dự án chỉnh tranh đô thị như vỉa hè phía Tây đường Nguyễn Đình Chiểu, công viên biển Hàm Tiến, công viên Đồi Dương, hạ tầng các di tích lịch sử văn hóa.
Song song với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh du lịch thông thoáng, ngành du lịch còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý tốt các vấn đề về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội ở các khu du lịch, điểm du lịch lớn. Một trong những công tác ưu tiên đầu tư nữa là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành. Triển khai đề án đào tạo, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020. Trong công tác tuyên truyền, quảng bá sẽ tập trung tổ chức các tốt nhất sự kiện lớn diễn ra trong năm cũng như các lễ hội văn hóa truyền thống để thu hút khách đến. Ngoài lượng khánh quốc tế quen thuộc sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng mới như Úc, New Zealand, Campuchia và các thị trường nội địa phía Bắc, vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và Tây Nam bộ.
Thời gian đến, ngành du lịch địa phương còn hoàn thiện bộ máy và tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm phối hợp kiểm tra, xứ lý vi phạm về môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, giá cả để Bình Thuận luôn là điểm đến xinh đẹp và an toàn nhất trong mắt du khách khắp nơi.