Hoạt động của ngành

Ninh Thuận phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

Cập nhật: 21/01/2011 08:01:41
Số lần đọc: 3491
Đề án "phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đến năm 2020", với tổng vốn đầu tư lên đến 2.400 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Ninh Thuận ký Quyết định ban hành trong năm mới 2011.

Với mục tiêu sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ thông qua gia công, chế biến, kết hợp với du lịch làng nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập....., đề án có vốn đầu tư lớn này chắc chắn sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhất là ở các làng nghề trong tương lai. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ đầu tư phát triển từ 35 đến 40 làng nghề ở các huyện, thành phố trong tỉnh với những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng kết hợp với du lịch văn hóa, tạo sức hút mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Để đề án được nhanh chóng thực thi, tỉnh Ninh Thuận đề ra giải pháp như: ban hành các chính sách hỗ trợ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; mở các lớp đào tạo, truyền nghề gắn với quảng bá thương hiệu của mỗi làng nghề... Từ nay đến 2015, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề như: làng nghề dệt chiếu cói thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước; chế biến nước mắm thôn Lạc sơn 2, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam; sản xuất đũa gỗ ở Sông Mỹ, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn; chế biến bánh đa ở thôn Văn Sơn, xã Văn Hải; chế biến cá hấp thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; chế biến bánh đa ở thôn Đường Mức, thị trấn Phước Dân và thôn An Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước. Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề khác như: nghề đan lát thủ công mỹ nghệ ở các thôn Ma Lâm, xã Phước Tân; Ma Nai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái; các thôn Lập Lá, Động Thông, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; chế biến nước mắm ở thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải và chế biến cá hấp ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam...

 

Những năm qua, sự phát triển của các làng nghề và làng nghề truyền thống đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở Ninh Thuận theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở nông thôn. Hiện Ninh Thuận có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống tập trung ở huyện Ninh Phước như: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; dệt thổ cẩm Chung Mỹ; dệt chiếu cói An Thạnh; gốm Bàu Trúc. Cùng với đó, một số làng nghề khác ở các địa phương trong tỉnh cũng đang trên đà phát triển nhanh như: sản xuất đũa gỗ Sông Mỹ; chằm nón lá ở Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn hay nghề đan võng ở Nhơn Hải, huyện Ninh Hải..... đã làm thay đổi rõ nét về diện mạo của làng nghề, góp phần quan trọng trong đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục