Một số lễ hội đầu xuân độc đáo ở Hòa Bình
Ấm áp lễ hội Khai hạ Mường Bi
Khai hạ là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường Bi, xã Phong Phú (Tân Lạc) vào dịp đầu năm. Lễ hội thể hiện ước mơ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Khai hạ khởi đầu cho năm mới với hai phần lễ và hội. Theo quy định của lang Mường Bi, sau nghi lễ này, người dân mới được vào rừng lấy măng, củi, săn bắn... nên còn được gọi là lễ xuống đồng và mở cửa rừng. Một đặc điểm độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi là tục tu sửa mương Lò. Đây là con mương đảm nhiệm tưới tiêu cho toàn vùng. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào công việc chung như: nạo vét lòng mương, khơi thông dòng chảy. Trong tiếng chiêng rộn rã, thúc giục của các giáp, mỗi người đều hăng say làm việc cho tới khi con mương được tu sửa xong. Mọi người nghỉ tay, cùng dùng cơm và thịt tế được chia, say sưa với men rượu cần, chuẩn bị cho phần hội.
Phần hội với những trò chơi dân gian: bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng..., văn nghệ dân gian thi xắc bùa, hát đối... và ẩm thực dân tộc độc đáo. Trên bãi đất rộng, các chàng trai, cô gái, thậm chí là có cả trẻ em cùng vào tham gia thi bắn nỏ. Những cánh nỏ giương căng bật dây, những mũi tên lao vun vút, những tràng pháo tay vang lên rộn rã và tiếng cồng báo hiệu thắng cuộc như tái hiện lại tinh thần thượng võ, bảo vệ quê hương của miền đất này. Bên kia bãi là hội thi ném còn, hát giao duyên khởi đầu cho những tình yêu đôi lứa. Phía xa là hội đánh cù sôi động với những con quay to bằng quả bưởi non... Trong giai điệu xắc bùa ngân nga, các cuộc thi và trò chơi dân gian được diễn ra rất sôi động.
Đặc sắc lễ hội xên bản, xên Mường
Lễ hội xên Mường là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Thái, tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã khai khẩn đất đai, lập ra đất Mường - cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cùng các đời vua chúa chống giặc ngoại xâm. Lễ cầu mong cho người Thái được no, hạnh phúc. Cầu cho Mường Mùn xưa, nay là Mai Châu được no đủ, bình an, phồn thịnh.
Lễ hội bắt đầu bằng đám rước đem mâm cỗ từ nhà Tạo Mường ra miếu. Đi đầu là Tạo Mường và các chức sắc khác. Tiếp theo là thanh niên nam nữ khiêng giàn chiêng trống (4 chiêng đồng, 1 trống cái) cùng kèn, sáo. Các già bản quấn khăn đỏ, mặc áo tơ vàng, quần màu chàm, thắt dải lưng xanh, vác theo cung và hai con trâu mộng làm vật hiến sinh. Bộ sừng trâu bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông dán hình hoa cắt bằng giấy trắng. Hai con trâu này, một con để cúng thần hoàng (phi sữa) và một con để cúng thần tổ ở đình gốc. Sau cùng là đoàn quân bảo vệ mường bản mặc quần vàng, áo đỏ viền xanh, đội mũ chóp đỏ, chân đi hài, quấn xà cạp tận đầu gối, vai vác súng hoả mai bọc bạc và gươm, giáo.
Phần hội diễn ra nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi. Buổi đầu của ngày hội chủ yếu là làm lễ và múa hát, đánh trống, chiêng. Buổi thứ hai có tổ chức thi bắn súng và cung nỏ. Hình thức bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo mí dốc, các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm, đón, bắn. Người thắng là người bắn cả ba lần đều trúng, đoạt được giải của cần han (người tài giỏi), được thưởng một mâm cỗ đầy xôi, thịt gọi là pàn han. Tạo Mường đứng ra trao thưởng cho người cần han một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, tuyên bố phong chức Tuần Mường (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất.
Ngoài ra còn nhiều trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: keng loóng, đánh trống chiêng, chơi quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp... Keng loóng được coi là một trong những trò chơi truyền thống gắn với quan niệm xưa ếch ăn trăng vào ngày nguyệt thực của người Thái. Đây là lối chơi âm nhạc của người Thái bằng cách dùng chày giã gạo vào cối hình thuyền tạo nên những âm thanh đặc biệt. Việc chơi keng loóng thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển của người phụ nữ trong sử dụng chày và cối.
Rộn ràng lễ hội Gầu Tào
Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời, còn gọi là đạp núi. Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được tổ chức theo hình thức luân phiên. Hàng năm, người Mông đều họp và chọn một gia đình trong cộng đồng chịu trách nhiệm đứng gia tổ chức. Được thay mặt cộng đồng người Mông tổ chức hội Gầu Tào là một niềm vinh dự lớn của bất cứ gia đình, dòng họ nào trong làng bản.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện suốt một năm, trong đó, tìm và dựng cây nêu là việc quan trọng nhất. Cây nêu được coi là cây thiêng của người Mông, là tín hiệu của hội hè, hạnh phúc và sự no ấm. Cây nêu phải là cây mai to, ngọn dài và có lá. Trước ngày mở hội, gia đình được chọn tổ chức và cả họ hàng tập trung dựng và trang trí thật đẹp cho cây mai ở vị trí sườn đồi nơi được chọn làm địa điểm mở hội. Trên ngọn cây nêu treo hai sải vải lanh màu đen xen lẫn màu đỏ (biểu tượng của mặt trời). Trên thân cây nêu còn treo một quả bầu đựng nước, một túm ngô giống, một bó lúa giống (biểu tượng của sự được mùa, no ấm).
Ngày hội đến, từ sáng sớm, trên các nẻo đường, các bản làng xa gần, từng tốp nam nữ trong những bộ tả pủ, váy áo mới dệt bằng sợi lanh, náo nức xòe ô về dự hội. Trong ánh mắt, nụ cười thân ái, mở đầu là lời chúc mừng năm mới, mong mùa màng bội thu rồi không gian đầy ắp âm thanh vui nhộn của các loại nhạc cụ: khèn, sáo trúc, đàn môi, kèn lá, kèn pí lè... và tiếng hát giao duyên. Cùng với tiếng khèn khi vui tươi rộn rã, lúc dồn dập như lời tỏ tình bỏng cháy của những chàng trai, là nhịp điệu múa ô trữ tình của các thiếu nữ. Những chiếc ô sặc sỡ, lay động, xoay tròn, những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng, dập dìu như một sự đáp lại, gắn quyện của tình yêu.
Không thể thiếu được trong hội Gầu Tào là những cuộc hát đối đáp. Có nhiều tốp nam và tốp nữ ngồi sau những tảng đá hoặc đứng cách nhau một khoảng đủ xa để hát đối đáp với nhau. Phương tiện để hát đối đáp là những chiếc ống bơ, có màng bịt bằng lá mo cây mai, được nối với nhau bằng sợi lanh xe thành chỉ nhỏ, chuốt óng bằng sáp ong. Hát đối đáp nam nữ là một trong những hình thức vui chơi đặc sắc, trữ tình.