Hành trang lữ khách

Chơi xuân một vòng cung Đông Bắc

Cập nhật: 24/01/2011 10:23:23
Số lần đọc: 2032
Một năm bận rộn qua đi, không gì thú vị bằng một chuyến đi dài vào kỳ nghỉ tết. Lời mời gọi từ cao nguyên đá Đồng Văn với những phiên chợ sặc sỡ sắc màu, những cung đường đèo heo gió sương từ Mèo Vạc đổ về hồ Ba Bể như thúc giục du khách lên đường.

Quốc lộ 2 là trục đường chính từ Hà Nội qua Tuyên Quang để đến Hà Giang, nhưng đi như thế thì nhàn nhã quá. Con đường tránh lũ từ thành phố Vĩnh Yên đi Sơn Nam,Sơn Dương – Tuyên Quang là quốc lộ 2C uốn lượn quanh co qua những cánh rừng nguyên sinh, thấp thoáng những đồi cọ đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ, đi như thế chẳng gì thú vị bằng.

 

Xe máy, thứ phương tiện phổ biến làm bạn đồng hành lý tưởng cho hành trình 940km từ Hà Nội đi Đồng Văn, Mèo Vạc, Bảo Lạc, Tĩnh Túc đổ về hồ Ba Bể để trở về lại Hà Nội. 320km đến thị xã Hà Giang trong một ngày không khó, đi tiếp 40km nữa là đến Quản Bạ ngủ đêm. Bên bếp than hồng trong tiết trời đông giá, nhấp chén rượu ngô Thanh Vân cay nồng với thịt treo gác bếp thật tuyệt. Sớm mai, trong làn sương mỏng lại thấy Cổng trời sừng sững hiện ra, phía xa xa núi đồi mờ mờ, ảo ảo…

 

Từ Quản Bạ đi thêm vài chục cây số nữa là tới Yên Minh. Qua đây vào tầm 9 giờ 30 sáng mới có cơ hội đón những tia nắng xuyên qua những rừng thông già. Nhưng đến đây mà không thưởng thức món ăn sáng thì thật phí. Bánh cuốn ở Yên Minh khác xa với bánh cuốn Sài Gòn, bánh cuốn Kỳ Đồng, bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội. Cũng là những chiếc bánh được tráng mịn và mỏng, bên trong có nhân thịt nạc băm với mộc nhĩ. Nhưng thứ nước chấm mới thực sự làm nên sự khác biệt. Được làm từ nước xương hầm kỹ, một chút rau mùi, hạt tiêu điểm nhẹ... Người ta có thể thả cả chiếc bánh vào trong chén nước chấm ấy rồi lùa nhẹ mà nhớ đến Yên Minh khi ghé qua.

 

Tiếp tục hành trình, điểm đến thú vị nữa là khu di tích nhà Vương nằm dưới thung lũng Sà Phìn. Dạo chơi ngắm những cây sa mộc cổ thụ, chụp ảnh khu nhà họ Vương, một công trình kiến trúc đặc biệt. Bên ngoài khu nhà là những tường thành bằng đá tảng được xếp đặt không cần vôi vữa mà vẫn liên kết chặt chẽ với nhau. Phía trong nhà Vương bố trí theo kiểu cung điện Trung Hoa bao gồm phòng khách, phòng thờ, phòng bếp và phòng ngủ của ba bà vợ “Vua Mèo” Vương Chính Đức. Rời nhà Vương, du khách sẽ tiếp tục chinh phục cực Bắc Tổ quốc. Lũng Cú mảnh đất địa đầu Tổ quốc được biết đến với nhiều đặc sản như mật ong rừng, chè shan và thắng cố. Với những nét độc đáo như nghề dệt thủ công của các dân tộc anh em như dân tộc Mông, Lô Lô, dân tộc Giáy có từ rất lâu đời. Từ Lũng Cú theo một đường tắt hơn 20km để đến trung tâm phố huyện Đồng Văn.

 

Chợ phiên ở Đồng Văn họp định kỳ vào sáng chủ nhật. Đến chợ không chỉ mua sắm, trao đổi hàng hoá, đến chợ để được gặp bạn, ăn thắng cố và nhâm nhi chén rượu ngô bên những bếp than rực lửa.

 

Dạo chơi quanh khu phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà có hàng trăm tuổi, mái ngói âm dương rêu phong, những bờ rào đá phủ màu thời gian. Du khách lên đường chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng, ngắm sông Nho Quế. Men theo đường núi cheo leo, qua những bản Mèo, một rừng đá tai mèo níu chân du khách khi tới Mèo Vạc.

 

Từ Mèo Vạc theo đường 217 tới Bảo Lạc, rồi theo đường 34 tới Tĩnh Túc của Cao Bằng. Một ngày đường vất vả, thị trấn Tĩnh Túc là điểm dừng chân lý tưởng trong ngày thứ ba của cuộc hành trình. Nhưng không dễ để có thể kiếm được chỗ ngủ nếu như không có sự liên hệ trước, bởi vào những ngày nghỉ lễ, các đoàn du khách qua lại trên con đường này khá nhiều. Vì vậy nên liên hệ chỗ ăn, chỗ ngủ trước hành trình cho các thành viên trong đoàn.

 

Từ thị trấn Tĩnh Túc theo đường 212 tới rừng quốc gia Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, trên con đường ấy có những đoạn đang thi công dở dang. Sẽ là điều kiện lý tưởng cho những chiếc xe cào cào offroad. Nhưng dù là bất cứ xe gì bạn không nên đi vào lúc trời tối. Vào ban đêm sương mù dày đặc che kín lối đi, khoảng cách, tầm nhìn phía trước chỉ vài mét. Trong những điều kiện như thế, nếu không quen đường bạn không nên mạo hiểm.

 

Mất chừng hơn ba giờ từ Tĩnh Túc, du khách sẽ tới rừng quốc gia Ba Bể, một di sản thiên nhiên quý giá. Một hệ thống rừng nguyên sinh trên những núi đá vôi bao bọc quanh hồ. Tới hồ Ba Bể, du khách có thể lên thuyền độc mộc thăm thú nhiều thắng cảnh. Nơi đây có tới 21 điểm du lịch kỳ thú như Động Tiên, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên… Theo đường bộ ven sông, du khách có thể thuê xe đạp địa hình dạo chơi các bản làng nguyên sơ của người Tày.

 

Một bản được nhắc đến nhiều đó là Pắc Ngòi. Nơi đây có thể liên hệ với người dân bản địa được ở cùng nhà sàn, ăn cùng món ăn với họ. Gà đồi nơi đâu chẳng có, nhưng ăn gà ở Pắc Ngòi thật khó quên. Gà sau khi làm sạch, luộc qua nước cho vừa độ chín, người ta sẽ chao nhẹ qua một lần mỡ khiến cho lớp da bên ngoài săn lại, thịt bên trong vẫn trắng và mềm. Gà đồi, cải đắng, ăn với cơm trắng và uống chén rượu gạo của người Tày, giấc ngủ trưa qua đi trên nhà sàn yên ả…

 

Khép lại một cung đường để thấy đi chẳng phải lấy thành tích, đi chỉ đơn giản là trải nghiệm, hoà mình vào thiên nhiên và các bản làng.

Nguồn: website SGTT

Cùng chuyên mục