Thăm quan nhà cổ Xuân An – Bình Thuận
Tất cả đều thuộc khu phố 3 và kề bên đường Trần Quang Diệu, cả 7 ngôi nhà cổ đều có những đặc điểm chung là: lối kiến trúc nhà rường “3 gian 2 chái” của người Việt cổ; vách gỗ, lợp ngói âm dương; nền tráng vôi, vật dụng và thờ cúng quý hiếm; gian chính (nơi thờ cúng tổ tiên) quay về hướng Nam. Tiêu biểu nhất là nhà ông Châu Ngọc Cúc. Nhà được xây dựng khoảng năm 1878, kề gian chính còn có thêm gian dành cho sinh hoạt hướng Tây tạo nên tổng thể hình chữ “Đinh”. Toàn bộ nhà có 7 hàng với mỗi hàng 8 cột làm bằng căm xe đường kính khoảng 20cm. Các cột đặt trên các bệ đá cứng và hệ thống giàn kèo, khung nhà gắn kết với nhau bằng mọng âm dương chắc chắn và chính xác. Thú vị nhất là gian thờ cúng với cách bố trí các bàn thờ, những vật trang trí như đôi đũa, khung ảnh, chân đèn đều bằng gỗ và nhất là các câu đối, tấm liễn chữ Nôm khảm xà cừ rất nghệ thuật và quý.
Bên cạnh nguyên vật liệu và kiến trúc, nhà cổ Xuân An còn thể hiện sự khéo léo của tổ tiên qua nghệ thuật chạm khắc ở đầu cột đội, xuyên, kèo, đòn dông. Như nhà ông Lê Văn Hạng. Xây dựng năm 1892, tất cả các đầu kèo xuyên đều chạm khắc đầu các con vật trong tứ linh như Rồng, Lân, Phụng, chim Hạc. Dọc các cây kèo ngang được chạm trổ hoa văn rất đẹp và tinh xảo. Nhà ông Hạng còn lưu giữ một cuốn gia phả gia đình. Theo những lời viết trên gia phả thì gia tộc ông Hạng vốn gốc Hà Tĩnh và người đầu tiên đặt bút viết khi vào Phan Thiết sinh sống vào năm 1862!? Đặc biệt, nhà ông Lê Trung Hùng xây năm 1890 với thiết kế la phông bê tông cốt tre. Ông Hùng cho biết: Nan tre phải vót đều và đan chặt, hồ được làm bằng hỗn hợp vôi và nhựa xương rồng. Chất kết dính này rất chắc và chịu được va đập lớn.
Vốn quý nhà cổ Xuân An thực sự là tài sản văn hóa của địa phương bởi vừa phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của thành phố biển, vừa biểu hiện phong tục tập quán của người Phan Thiết xưa. Do vậy, đến du xuân Tân Mão tại phố biển, khách du lịch đừng bỏ phí cơ hội tham quan và khám phá những ngôi nhà cổ Xuân An, qua đó hiểu hơn về đất và người Phan Thiết, về “nếp ở, nếp ăn” của tổ tiên chúng ta.