Hành trang lữ khách

Lễ hội Cầu mùa – nét đặc sắc miền Tây Bắc

Cập nhật: 21/02/2011 09:02:12
Số lần đọc: 2198
Hàng năm vào đầu xuân người Tày thường tổ chức lễ hội Cầu mùa (Cau Lôông Tôông) để cầu sự bình an, hạnh phúc, no đủ. Lễ hội Cầu mùa 2011 là lễ hội Lồng Tồng lần thứ 3 sau 50 năm gián đoạn vừa được tổ chức vào rằm tháng giêng tại xã Kiên Thành - Trấn Yên – Yên Bái, là một trong những hoạt động du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai.

Trong lễ hội những làn điệu dân ca như hát Nôm, hát Then, các cung đàn Tính tẩu, các cung sáo (Pí), những khuôn Dậm Thuông được biểu diễn kết hợp hoà quyện với nhau tạo ra bản sắc văn hoá độc đáo riêng biệt.

12 cỗ bánh và thanh bông hoa quả dâng lễ
12 cỗ bánh và thanh bông hoa quả dâng lễ

Buổi lễ được bắt đầu bằng việc rước lễ cúng thần hoàng bản thổ gồm 6 cỗ bánh với 6 loại bánh: Bánh uôi, bánh bìa, bánh phong trúu, bánh tẻ, bánh trà lam và bánh nổ. Tất cả các loại bánh này đều được làm từ bột gạo và những hạt thóc nếp rang nổ. Mỗi cỗ bánh kèm theo 7 mâm cỗ được chế biến từ thịt lợn, thịt gà, xôi nếp, rượu và 1 cây hoa 12 tầng tượng trưng cho 12 tháng trong năm sai hoa kết trái. 6 cỗ bánh được xếp theo vị trí: Núi Khau Raao ở phía tây, núi Khau Thú ở phía Bắc, núi Khau Cuốm ở phía nam và miếu bà Chú ở phía đông. Đi cùng với cỗ lễ là đoàn cờ, trống tưng bừng rộn rã.

Màn tiểu dậm hầu sau khi dâng lễ
Màn tiểu dậm hầu sau khi dâng lễ

Sau phần rước, lễ được đưa vào dâng lễ cúng thành hoàng bản thổ, thần núi, thần nước cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho chim muông, sâu bọ không phá hoại mùa màng, dân làng khoẻ mạnh…Bà Hoàng Thị Tỉnh – Thôn An Thịnh xã Kiên Thành vừa say sưa theo dõi màn cúng lễ vừa hào hứng nói: “Được dự lễ hội Cầu mùa vui lắm. Trước đây do khó khăn nên không tổ chức được, 3 năm nay người dân xã Kiên Thành chúng tôi mới được trở lại không khí lễ hội náo nhiệt như thế này. Năm nào tôi cũng tham gia làm bánh cúng lễ với mọi người, tuy tốn nhiều công sức song ai cũng vui vẻ vì đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”.

Rước lễ cỗ Bánh, cây hoa cúng thần hoàng bản thổ.JPG	Rước lễ cỗ Bánh, cây hoa cúng thần hoàng bản thổ
Rước lễ cỗ Bánh, cây hoa cúng thần hoàng bản thổ.
Cầu thần núi, thần nước cho mùa màng no ấm
Cầu thần núi, thần nước cho mùa màng no ấm

Sau phần cúng lễ, dân làng và du khách được tham gia các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, ném pao. Đặc biệt là phần đại dậm hầu với 6 điệu dậm cổ là: Múa chèo thuyền, múa quạt, múa đàn tính, múa kiếm, nhảy chân sáo và dậm quét sân Rồng do người dân trong xã biểu diễn cùng với du khách tới tham gia lễ hội. Ông Triệu Phú Tiên – dân tộc Dao thôn Khe Rộng – Xã Kiên Thành cho biết: “Từ Tết đến giờ người dân trong thôn tôi ai ai cũng mong chờ tới ngày hội cầu mùa (cau lôông tôông) hôm nay.

Màn Dậm đáp ( múa kiếm )
Màn Dậm đáp ( múa kiếm )
Màn dậm nhảy chân Sáo
Màn dậm nhảy chân Sáo
Trình diễn cấy lúa
Trình diễn cày bừa
Trình diễn cấy lúa
Trình diễn cấy lúa

Bà con phấn khởi lắm vì bản sắc văn hoá dân tộc được phát huy. Không những người già mà cả thế hệ trẻ cũng đã có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, tích cực học hỏi kiến thức nghệ thuật về âm nhạc, nhạc cụ cùng các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình”. Cũng trong ngày hội Cầu mùa du khách và người dân bản địa còn được tham gia ném còn, một trò chơi đặc sắc của người Tày với ý nghĩa giao duyên giữa các chàng trai cô gái. Tiếp đó lãnh đạo và nhân dân địa phương đã xuống ruộng thực hiện những đường cày đầu tiên cầu mong một năm bội thu, no ấm. Theo ông Hàm Anh Tú - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành việc tổ chức lễ hội Cầu mùa (Cau Lôông Tôông) là một hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn văn hoá các dân tộc anh em trong xã Kiên Thành đồng thời góp phần đưa nền văn hoá truyền thống gắn với việc xây dựng làng bản văn hoá và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân”.

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục