Hà Tây: Bảo tồn kho tàng văn hóa phi vật thể
Tuy nhiên, nét văn hóa dân gian trải qua thời gian đã ít nhiều bị mai một. Hơn lúc nào hết, những người làm công tác văn hóa tỉnh nhà đã xác định và có kế hoạch để lưu giữ và bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng này.
Những năm đầu, việc khôi phục lại các CLB văn nghệ của tỉnh cũng như của các huyện gặp không ít khó khăn bởi mỗi loại hình văn hóa, văn nghệ lại đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy tắc riêng và sự am hiểu sâu xa về cách hát, cách thể hiện sao cho đúng với lối diễn của người xưa để lại. Đó là sự tái hiện nguyên mẫu của diễn xướng hội chèo tàu theo nghi thức cổ truyền về không gian lễ hội, trang phục của ca nhi, đạo cụ của nghi lễ, đặc biệt là giai điệu của những lời ca trong chèo tàu. Được các cơ quan văn hóa - nghệ thuật của T.Ư, tỉnh, huyện giúp đỡ về phương pháp sưu tầm và khôi phục, các nghệ nhân cao tuổi tâm huyết truyền dạy theo trí nhớ nên năm 1999 lễ hội được khôi phục sau hơn 70 năm vắng bóng và đã cơ bản thể hiện được hình hài của chèo tàu tổng gối mở vào đầu thế kỷ XX.
Ở CLB hò cửa đình, múa hát bài bông thuộc huyện Phú Xuyên cũng vậy, sau lễ hội, UBND xã lần lượt tổ chức các lớp học hát, học múa, mua sắm mũ áo cho các đội hình tham gia. Nghệ nhân Nguyễn Thị Ga nhiệt tình truyền dạy cho thế hệ trẻ. Làn điệu hát dô nay cũng được khôi phục và duy trì. Qua sự hoạt động tích cực của các "nàng ca" bên sông Tích ở CLB hát dô xã Liệp Tuyết, nhân dân nhanh chóng khôi phục di tích đền Khánh Xuân, trung tâm của lễ hội thành quần thể văn hóa phi vật thể, in đậm dấu tích văn hóa tôn giáo thờ thánh Tản Viên Sơn. Các CLB ca trù của VHTT tỉnh, ca trù Thượng Mỗ duy trì được hoạt động đều nhờ sự vào cuộc của các nghệ nhân tên tuổi trong làng hát ca trù của tỉnh nhà.
Công việc bảo tồn văn nghệ dân gian được ngành Văn hóa thực hiện đã gần một thập kỷ nhưng thể hiện rõ nét nhất là từ khi Luật Di sản ra đời. Đó là vào năm 1999 với dự án mở màn là khôi phục chèo tàu, sau đó lần lượt đến các cuộc hội thảo, xuất bản các công trình, nghiên cứu về các danh nhân của Hà Tây... Những việc làm này đã thực sự góp phần nâng cao hiểu biết của người dân đối với những di sản văn hóa dân gian. Nhờ vậy, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tưởng đã bị mai một nay được khôi phục, phát triển, người dân đã có ý thức sâu sắc về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Toàn tỉnh hiện nay có 7 CLB văn nghệ dân gian đã và đang hoạt động có hiệu quả, đó là CLB hát chèo tàu tổng gối, xã Tân Hội (Đan Phượng), CLB hát dô xã Liệp Tuyết (Quốc Oai), CLB hát ca trù thuộc Trung tâm VHTT tỉnh, CLB hò cửa đình, múa hát bài bông Phú Nhiêu, xã Quang Trung (Phú Xuyên), CLB ca trù An Khánh (Hoài Đức), CLB ca trù thôn Chanh Thôn, xã Văn Nhân (Phú Xuyên) và CLB ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng). Trong mỗi loại hình nghệ thuật dân gian này đều xuất hiện các tài năng thực thụ và đã có 10 người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Chính những nghệ nhân này là báu vật sống có nhiều công lao trong việc gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ vốn văn nghệ dân gian mà cha ông để lại và cũng chính họ đang góp phần quan trọng vào việc bảo lưu giá trị chân thực của di sản văn hóa phi vật thể của quê hương mình.
Bên cạnh CLB văn nghệ đã được công nhận "địa chỉ văn hóa dân gian", toàn tỉnh còn có hàng trăm CLB văn nghệ, nhưng tất cả đều mới dừng lại ở mức duy trì. Được biết, hướng đầu tư của tỉnh trong việc bảo tồn văn nghệ dân gian chỉ dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa mà Nhà nước đã quy định, đó là mỗi CLB có quyết định thành lập và được huyện đề nghị, tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí hoạt động là 3 triệu đồng/năm, với những CLB được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian thì mỗi năm được 3-4 triệu đồng/đơn vị. Ngoài nguồn hỗ trợ trên thì tất cả các CLB đã và chưa được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian đều hoạt động mang tính xã hội hóa.
Hằng năm, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở và Trung tâm VHTT tỉnh Hà Tây đều duy trì chương trình bảo tồn mục tiêu quốc gia về các loại hình văn hóa dân gian bằng việc khảo sát các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian đã từng tồn tại và yêu cầu những địa phương này có kế hoạch xây dựng CLB để bảo tồn.
Đều đặn từ năm 1994 đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần khôi phục được 6 loại hình văn nghệ dân gian, đó là: Chèo tàu, hò cửa đình, điều tra diễn xướng ca trù Hà Tây, hát trống quân, ca trù, hát dô. Trong mỗi dự án, Trung tâm VHTT tỉnh đều đầu tư kinh phí từ 5-7 triệu đồng để hỗ trợ việc xây dựng CLB, mua sắm nhạc cụ, truyền dạy... nhưng xem ra nguồn kinh phí này không đáng kể. Do chưa có sự đầu tư thích đáng nên việc khôi phục vốn văn nghệ dân gian đang gặp rất nhiều khó khăn và lớp trẻ chưa mặn mà với việc tham gia sinh hoạt ở những CLB này. Việc bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để những người trong cuộc không gặp phải khó khăn như hiện nay và thu được kết quả.