Non nước Việt Nam

Đình Nhân Lý (Hải Dương), công trình kiến trúc độc đáo

Cập nhật: 23/02/2011 14:02:50
Số lần đọc: 3315
Đình Nhân Lý (thị trấn Nam Sách)  có lối kiến trúc được xếp vào loại điển hình của thế kỷ XVII còn đến ngày nay. Đặc biệt, 2 bức cồn  hiện còn lưu giữ được đạt đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Đình Nhân Lý  thờ Thành hoàng Lý Tuấn Lương, có công phù Lý Nam Đế, đánh giặc Lương vào thế kỷ VI.


Đình Nhân Lý là một ngôi đình lớn và điêu khắc của đình vào loại điển  hình của đất nước ở thế kỷ XVII còn đến ngày nay.


Đình hướng tây, ở phía bắc thôn Nhân Lý, cách đường 17 khoảng 200 m về phía đông, kiến trúc kiệu tiền nhất hậu đinh (theo chữ Hán), nhưng phần mái của hậu cung đảo lại, tạo hình chữ công trên phần mái. Hai giải vũ ở phía trước nối liền với tường bao và cột đồng trụ tạo nên một khuôn viên rộng lớn. Từ đường cái vào đình qua một cầu đá 3 nhịp, xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ.

Năm 1957, hai giải vũ và tiền tế bị giải hạ, cầu đá bị dỡ bỏ. Hiện nay chỉ còn đại bái, hậu cung và hai cây bàng lớn ở phía sau.


Đại bái là một công trình bề thế bốn mái cong, thả dài, cột to và thấp, điển hình của kiến trúc thời Lê. Công trình gồm 5 gian, dài 20 m, rộng 9,5m tính từ chân cột quân, nếu tính theo nền thì đình dài 22 m, rộng 12,4 m, gian giữa 4 m, hai gian bên 4,2 m, hai gian trái rộng 3,63 m. Hậu cung dài 12,1 m, rộng 6,7 m tính từ chân cột quân. Kích thước nền của hậu cung bằng 14m x 9m. Tiền bái có 8 cột cái, cao 4,5 m, đường kính trung bình 60 cm. Cột quân có 16 cái, cao 3,3 m, đường kính trung bình 50 cm. Hậu cung có 4 cột cái, 6 cột quân, số đo tương tự như tiền bái, kết cấu các vì kèo rất đa dạng. Hai vì giữa, hai vì trái, một vì hậu cung làm theo kiểu chồng rường. Hai vì bên khoảng dưới là kẻ, khoảng trên là trụ bám, kèo cầu cánh máng. Các góc là đao guộc tạo dáng như hình chim hạc kéo dài, thanh thoát. Các bức cồn, các con chồng, đấu kê và má bẩy đều được chạm hình rồng kiểu bông nhiều lớp rất tinh tế. Hàng trăm bức chạm thống nhất về phong cách nhưng hoàn toàn khác nhau về chi tiết, tạo nên sự phong phú về kiểu dáng. Riêng hai bức cồn ở gian giữa có thể nói đã đạt  đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ ở thế kỷ XVII ở Việt Nam và như một thách thức với nghệ nhân ở những thế kỷ sau. Phần hậu cung cũng giữ được hầu hết các chi tiết chạm khắc ở thời Lê, thế kỷ XVII - XVIII, kể cả long đình, cửa võng và bản mục lục khắc trên gỗ.


Đình nguyên thuỷ, hậu cung và gian trái còn có sàn nay chỉ còn phần sàn ở hậu cung. Toà đại bái có ba gian cửa, hai gian bên đóng ngỡng chồng, trên có chấn song, lá dong trên kẻ và bẩy dày, chạm rồng và hoa lá, tạo cảm quan như bẩy, kẻ kép khá vững chắc. Ba mặt tường xây bằng gạch bát gỗ lớn (4 cm x 25 cm x 40 cm), cửa so hậu cung đặt cao gần sát tầu, chèn gạch men xanh, trổ lỗ. Toàn bộ kết cấu của đình bằng gỗ lim, lợp ngói mũi kiệu vỏ sò.


Trước đây,  các con giống được đắp bằng vôi, giấy, bản mật... Những phù điêu bằng đất nung, nay phần lớn đã thất lạc. Đao góc đắp rồng chầu phượng mớm. Nội thất còn bảo lưu được nhiều đồ tế tự có giá trị.


Lễ hội hàng năm vào trung tuần tháng 2 và tháng 8.


Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1980.

Nguồn: Báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT