Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế tạo cơ hội phát triển cho ngành du lịch

Cập nhật: 25/02/2011 14:02:00
Số lần đọc: 3354
Trước những tiềm năng to lớn, độc đáo, đa dạng về du lịch, Thừa Thiên Huế sớm xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Từ những năm 1993, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh khóa X đã khẳng định: “Đã đến lúc cần đầu tư phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Quyết tâm đó được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XI trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ nông nghiệp – công nghiệp – du lịch sang công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ định hướng của tỉnh, các ngành, các cấp đã tập trung kế hoạch hoạt động hướng vào thế mạnh dịch vụ - du lịch. Thực tế cho thấy, những năm qua, phát triển dịch vụ trọng tâm là phát triển du lịch đã tạo một nguồn lực mới đóng góp đáng kể vào tỷ trọng, tốc độ phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh nhà. Điều dễ nhận thấy là cơ sở vật chất của ngành du lịch không ngừng được củng cố, xây dựng mới. Phát triển du lịch đã góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, bản sắc văn hóa, nhân văn của vùng đất Cố đô mà từ xa xưa là nơi hội tụ và giao thoa các yếu tố văn hóa phương Đông và sau này là phương Tây. Phát triển mạnh mẽ về du lịch làm cho du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn kho tàng di tích, cổ vật, danh lam thắng cảnh, những công trình kiến trúc cung đình nổi tiếng...

 

Du lịch phát triển đã tác động mạnh đến nhiều ngành nghề khác phát triển theo như nhà hàng, các trung tâm giải trí, mua sắm, viễn thông, vận tải, dịch vụ ngân hàng... tạo sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Mặt khác, du lịch – dịch vụ phát triển cũng đã tác động đến phát triển nông nghiệp – nông thôn, phá vỡ nền kinh tế khép kín, làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường.

 

Sự phát triển du lịch của tỉnh trong những năm qua còn tạo ra hiệu năng mới là làm cho các ngành nghề phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Nghề mộc mỹ nghệ, đúc đồng, kim hoàn, thêu, đan lát, may mặc... phát triển rõ nét. Điều quan trọng là tạo cho cộng đồng cư dân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực, ngành du lịch và các địa phương đã không ngừng sáng tạo, tham gia đầu tư, khai thác các sản phẩm, tour tuyến du lịch độc đáo.

 

Đầu năm nay, 2011 - năm Tân Mão, Thừa Thiên Huế đã khai hội du lịch năm 2011, mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của tỉnh nhà trong năm nay. Bốn dòng sản phẩm đặc trưng được giới thiệu quảng bá là bước tiến mới trong phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. “Cùng khám phá Huế”; “Đến Huế tạo trải nghiệm cho riêng mình”; “Tận hưởng với Huế”; “Hành trình qua thời gian”. Với 4 dòng sản phẩm, Thừa Thiên Huế hướng tới xây dựng thương hiệu, thu hút du khách đến với Huế - một trung tâm văn hóa – du lịch của cả nước. Để cho ngành du lịch mở rộng cánh cửa phát triển, gần đây, Thừa Thiên Huế đã hợp tác với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển, quảng bá du lịch, hướng tới năm du lịch Quốc gia 2012.

 

Qua những kỳ festival, Thừa Thiên Huế đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng sâu sắc, hằng năm, Thừa Thiên Huế đúc rút kinh nghiệm, có cơ chế, chính sách mới thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, mở rộng các dịch vụ vui chơi, giải trí, các khách sạn, điểm du lịch làm cho các di tích làng nghề, sản phẩm lưu niệm phát triển phong phú.

 

Hình ảnh và diện mạo của du lịch – dịch vụ không còn bó hẹp ở Huế mà đã lan tỏa phát triển về nông thôn các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, A Lưới...

 

Trong phát triển du lịch, Thừa Thiên Huế đã góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh hòa bình, thân thiện, bản sắc văn hóa và nhân văn của đất nước Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Từ phát triển du lịch, Thừa Thiên Huế góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao, nâng tầm vị thế của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Sự đóng góp ấy thông qua đăng cai tổ chức những hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế và khu vực như Hội nghị Hiệp hội các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF), Hội nghị Bảo tồn và phát huy các gia trị văn hóa phi vật thể, Lễ hội Festival...

 

Thành tựu và giá trị của thế mạnh du lịch đã được minh chứng trong thực tế. Định hướng đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo tỉnh đã làm cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh nhà liên tục phát triển trong những năm qua, năm sau cao hơn năm trước, mỗi năm có thêm nhiều chương trình, dự án mới, tạo đà tăng tốc trong nền kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

 

Gần đây, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã khẳng định thêm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới. Theo đó, ngành du lịch Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trọng tâm là tích cực phát huy hiệu quả các giá trị thương hiệu điểm đến và sản phẩm độc đáo của du lịch, củng cố, duy trì, bảo vệ và có kế hoạch mở rộng các thương hiệu du lịch. Qua đó, khai thác tốt hơn thế mạnh vốn có cả về quy mô lẫn chất lượng, tạo môi trường du lịch văn minh lịch sự, tăng sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 

Thực hiện định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành du lịch cần tổng kết rút kinh nghiệm trên bình diện tổng hợp nhằm có chương trình hành động mạnh mẽ, sáng tạo, toàn diện, mang tính đột phá, liên kết, hội nhập để khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất về tiềm năng, thế mạnh của ngành kinh tế du lịch mà thiên nhiên và con người đã tạo lập trên một vùng đất văn hóa – lịch sử có bề dày truyền thống này. Một chiến lược tổng quát tạo thế cho du lịch phát triển cần đặt ra là quy hoạch tổng thể và cụ thể về phát triển ngành du lịch, tạo cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch, lập chương trình đào tạo nguồn nhân lực, định hình tour du lịch ổn định có thương hiệu, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, chiến lược quảng bá tiềm năng du lịch, chương trình liên kết hợp tác khai thác tiềm năng du lịch, giải pháp huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch... để ngành kinh tế mũi nhọn có bước đột phá tăng tốc trong những năm tới.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục