Hoạt động của ngành

Ý Yên (Nam Định) phát triển làng nghề gắn với bảo tồn di sản văn hoá

Cập nhật: 25/02/2011 14:02:38
Số lần đọc: 3403
Ý Yên là nơi có nhiều làng nghề truyền thống lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo. Phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các làng nghề từ lâu đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân tích cực hưởng ứng, là nền tảng quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững.

Huyện Ý Yên được coi là “đất trăm nghề”, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề sơn quang Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Ý Yên không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm có tính văn hoá mang ý nghĩa bản sắc bản địa độc đáo. Bởi lẽ, các sản phẩm đó là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo mang đậm dấu ấn tinh hoa của đất và người Ý Yên từ bao đời nay. Trong những năm qua, phát triển làng nghề truyền thống ở Ý Yên đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN; phát triển du lịch - dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở địa phương. Xã Yên Ninh có hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng là La Xuyên và Ninh Xá, thu hút 2.500-3.000 lao động thường xuyên làm việc cho hơn 20 doanh nghiệp, 50 cơ sở sản xuất  và hàng trăm cơ sở vệ tinh gia công sản phẩm tại các xã lân cận, doanh thu từ làm nghề mộc (60-70 tỷ đồng) đã chiếm hơn 60% cơ cấu kinh tế của xã. Từ nghề truyền thống và định hướng quy hoạch phát triển CCN, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất ở Yên Ninh có điều kiện tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ và phát huy. Đình làng thôn Ninh Xá và La Xuyên cùng thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Vào đêm giao thừa, người dân làng nghề vẫn duy trì tục “lấy lửa đình” với mong muốn và khát vọng ngọn lửa từ đình làng sẽ mang đến điều may mắn, sung túc cho gia đình trong năm mới; thắp nén hương trong đêm tân xuân tỏ đạo “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị tổ nghề.

 

Cũng như ở đất nghề Yên Ninh, người dân làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá phát huy tiềm năng và thế mạnh nghề tổ truyền trở thành “điểm sáng” trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp. Tống Xá hôm nay được tách làm 3 thôn (thôn Đông, thôn Tây, thôn Bắc) với dân số hơn 2.400 khẩu và gần 600 hộ. Từ một mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp Quyết Thắng thành lập tháng 10-1959, đến nay, nghề cơ khí đúc tại Tống Xá được phát triển mạnh. Hiện Tống Xá có 70 Cty, doanh nghiệp cơ khí đúc đang hoạt động. Doanh thu từ nghề truyền thống đạt 320 tỷ đồng, chiếm 95% tổng nguồn thu của toàn xã, trong đó có 70% gia đình khá và giàu, cả làng có hơn 100 xe ô tô các loại; hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá được xây dựng khang trang, đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân nâng cao tri thức và đời sống văn hoá, tinh thần. Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá cứ 3 năm mở hội một lần vào ngày 12 tháng hai âm lịch để tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn, qua đó, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới. Việc mở hội của người Tống Xá nhằm tri ân công đức của các vị khai sáng và các vị tổ nghề; 3 ngày diễn ra lễ hội cũng là dịp để con cháu trong gia đình xum họp sau những ngày bươn trải, lao động vất vả để cùng động viên vươn lên trong cuộc sống. Vì thế, nhân dân trong làng đều tham gia đóng góp kinh phí, vật chất và ngày công theo phương thức xã hội hoá trong việc tổ chức lễ hội; nhiều người con quê hương đang sinh sống và làm việc ở xa cũng gửi một phần công đức, nén nhang dâng lên đền làng tỏ đạo hiếu nghĩa, tri ân với Đức Thánh Tổ. Nếp sống văn hoá và truyền thống văn hoá của người dân Tống Xá được kết tinh bởi chính từ sự nâng niu, trân trọng từng giá trị dù là nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống do chính bàn tay, công sức của cha ông gây dựng nên, đồng thời sáng tạo nên những nét văn hoá mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

 

Không chỉ nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng nghề ở Ý Yên đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm độc đáo có giá trị nghệ thuật. Năm 2010, tỉnh ta có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” thì huyện Ý Yên có 3 người, đó là Dương Bá Dũng, thị trấn Lâm (nghệ nhân đúc đồng); Nguyễn Văn Đức, ở làng La Xuyên, Yên Ninh (nghệ nhân đồ gỗ); Vũ Duy Thuấn, ở thị trấn Lâm (nghệ nhân đúc đồng). Họ không chỉ là “báu vật nhân văn sống”, lưu giữ tinh hoa văn hoá làng nghề quê hương mà còn là người “giữ lửa” và truyền dạy cho các thế hệ sau góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Tại cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình nghệ nhân, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đức, bên chiếc bàn xoay với những động tác nhanh nhẹn, miệt mài táp những mảng đất sét “kết cấu” hoàn thiện tác phẩm, anh tâm sự với chúng tôi về “chuyện đời, chuyện nghề”. Sinh thành trong một gia đình có truyền thống nghề chạm khắc gỗ tại làng La Xuyên, xã Yên Ninh, ngay từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với và cảm thụ được những nét hoa văn và kỹ năng của nghề chạm khắc gỗ do ông và cha truyền thụ, hướng dẫn. Từng là công nhân kỹ thuật chuyên thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ tại Cty xuất nhập khẩu mỹ nghệ Nam Định; không chỉ là một thợ giỏi, anh nuôi ước mơ, phấn đấu thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về quê hương, mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Với lòng đam mê nghề truyền thống quê hương, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đức luôn tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những sản phẩm của anh thiết kế vừa mang nét tài hoa, giữ được cốt cách truyền thống văn hoá đặc trưng của làng nghề, lại hội tụ được những nét tươi sáng của nhịp sống đương đại, có giá trị về nghệ thuật và nhu cầu sử dụng thực tiễn. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hội Đền Trần” (tranh gỗ), “Thiếu nữ”, “Mẫu tử” (tượng tròn); “Tình yêu và thời gian”, “Gặp gỡ”, “Tâm sự” cùng các mẫu tượng tôn giáo, đồ thờ tự, bàn ghế, tủ tường… Cùng với thể loại tượng tròn, các tác phẩm thuộc thể loại phù điêu của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đức cũng luôn có sự tìm tòi, cách điệu, bố cục đơn giản, nhưng mang tính khái quát cao, đạt đến độ tinh xảo. Hiện nay, anh vừa sáng tạo, thiết kế các phôi mẫu tượng cho các cơ sở đúc đồng trong và ngoài tỉnh, vừa tham gia giảng dạy tại Trường Trung cấp VHNT tỉnh và các trường dạy nghề trong tỉnh. Điều anh tâm huyết là không ngừng phấn đấu sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tiếp tục dạy và truyền nghề cho lớp trẻ, góp phần vào việc bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của quê hương trường tồn cùng thời gian./.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục