Non nước Việt Nam

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, Thái Bình

Cập nhật: 10/03/2011 10:03:28
Số lần đọc: 4439
Chạm bạc Ðồng Xâm với những sản phẩm tuyệt mỹ, có một không hai, mang tên một trung tâm làm đồ kim hoàn nổi tiếng và lâu đời ở Việt Nam: làng Ðồng Xâm. Nếu như Châu Khê (Hải Hưng) sản xuất đồ trang sức bằng vàng là chính; Ðịnh Công (Hà Nội) chủ yếu làm nữ trang bằng vàng, thì Ðồng Xâm (Thái Bình) chuyên nghề chạm bạc.

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm (tên cũ là Ðường Thâm) nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang, thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình.


Những ghi chép trong sách sử cho biết: làng này hình thành vào cuối thời Trần-Hồ, cách chúng ta ngày nay trên 600 năm. Nhưng nghề chạm bạc ở đây thì mãi về sau mới xuất hiện. Làng hiện còn một am thờ và một tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (thôn Thượng Gia ngày nay). Ðó là một văn bia Tổ nghề (dựng năm 1689). Trên văn bia có ghi: "Hoàng triều Chính Hoà thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu (...) Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ."


Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hoà (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề. Nguyễn Kim Lâu sống vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Và như vậy nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã tồn tại gần 400 năm nay. Buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát...về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.


Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác, như đúc đồng, luyện kim... nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Ðồng Xâm luôn giữ bí mật nghề. Ðến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Ðồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền. Phường chạm bạc xưa đã qui định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng...hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xoá tên trong phường.


Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng-tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật nhất.


Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), nghề chạm bạc đình đốn. Mãi đến sau ngày hoà bình lập lại, từ năm 1955 trở lại đây, sản xuất đồ vàng bạc được phục hồi và phát triển. Nhưng các sản phẩm của những năm làm ăn tập thể nhìn chung ít sáng tạo, nhỏ lẻ và khá đơn điệu. Phải đợi đến thời kỳ đổi mới, mấy năm nay, người thợ chạm bạc mới thực sự "vẫy vùng mặc sức" trong cơ chế thị trường, được tự làm, tự bán theo kiểu các doanh nghiệp nhỏ, qui mô gia đình, được trực tiếp xuất khẩu... Vận hội mới đang quay trở lại với người Ðồng Xâm và nghề chạm bạc.


Thợ Ðồng Xâm hiện nay phần lớn hành nghề ở làng, nhiều gia đình trở nên giàu có. Một số thợ, nhất là thợ trẻ vẫn toả đi khắp nơi, vừa sản xuất vừa dạy nghề. Ở môi trường nào cũng vậy, từ xa xưa đến nay, thợ bạc Ðồng Xâm luôn lấy chữ Tín, chữ Tài làm trọng. Họ giữ phẩm chất, lương tâm người thợ và tinh hoa kỹ thuật nghề nghiệp của đất nước quê hương.

Nguồn: Báo Thái Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT