Non nước Việt Nam

Kiến trúc cổ Thiên Hậu Cung, Cà Mau

Cập nhật: 16/03/2011 16:03:23
Số lần đọc: 3803
Thiên Hậu Cung tọa lạc tại phường 2, TP Cà Mau, dân gian quen gọi là chùa Bà. Thật ra, đây là ngôi đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (dân gian còn gọi là bà Mã Châu).

Cổng chính của đền ghi hàng chữ Hán màu đỏ đắp nổi: Thiên Hậu Cung. Chữ “cung” ở đây là chỉ "lớn" (như thủy cung, long cung, cung vua…). Thực tế là nó lớn hơn các ngôi đền thờ khác ở Cà Mau.

Kết cấu chính của đền là tường gạch xây, cột gỗ. Mái gỗ, lợp ngói âm dương tạo thành những dải ống dài mềm mại. Trên nóc đắp hình rồng uốn cong và lưỡng long chầu nguyệt màu xanh ngọc. Khối kiến trúc đền hình quả ấn với thiên tinh (giếng ngọc) và màu nền chủ đạo là đỏ bầm.

Ngôi đền mang đậm nét truyền thống Trung Hoa (gần với triều đại cuối Minh, đầu Thanh). Đây cũng là một trong những kiến trúc tín ngưỡng (thờ tự) tiêu biểu và xưa nhất của người Hoa hiện hữu ở Cà Mau.

Mặt bằng kiến trúc khá rộng (hơn 30m ngang x 35m bề sâu). Mặt tiền có phần sân riêng, dành cho khán giả ngồi xem biểu diễn nghệ thuật. Từ cổng tiến vào, phía bên trái là am thờ thần Lửa (Hỏa Đức Nương Nương). Bên phải là khoảng trống để lắp dựng sân khấu vào dịp lễ hội Vía Bà. Chính giữa là bàn thờ Thiên Phụ - Địa Mẫu.

Dàn cửa chính gồm ba bộ (tất cả là 6 cánh) đều bằng gỗ liền mặt, tấm lớn, dày. Trên mỗi cánh cửa đều vẽ các vị thần thần môn (giữ cửa). Các cột ở hàng ba và khuôn bao cửa ra vào, rui mè cấu tạo bằng đá xám. Các ô lam cửa phía trên có gắn khoảng 20 bức bích họa nhiều màu, tô vẽ chi tiết, cẩn thận. Nội dung mô tả điển tích Trung Hoa về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (như Bát tiên quá hải, Quần thần khánh hội, Đoàn viên kết nghĩa…). Vách tiền bên hữu là phù điêu đắp nổi: voi mẹ - voi con. Bên tả (đối xứng) là hùm mẹ - hùm con.

Vách tường hai bên của chánh điện là phù điêu đắp nổi hình tượng hổ (bên hữu) và phù điêu rồng (bên tả). Dưới chân phù điêu là hồ nước. Ngoài ý nghĩa "giếng trời" còn có tác dụng làm mát và lấy ánh sáng mặt trời (phản chiếu từ mặt nước hắt lên). Đây là giải pháp khắc phục sự thiếu sáng đối với những công trình đình - đền truyền thống, có lối kết cấu mái dài, thấp, ít cửa sổ.

Mặt bằng chánh điện bố trí 4 hàng cột ngang với 9 cột hàng dọc chạy từ trước ra sau. Các cột gỗ lớn hình lăng trụ, vuông, tròn xen kẽ đối xứng từng cặp tạo sự mềm mại nhưng vững chãi. Trên các cột đều gắn những tấm liễn gỗ, khắc chữ Hán. Mỗi cột đều đứng trên một viên đá tảng được gọt giũa công phu. Vật liệu đá tảng và gỗ quý đều được chở từ cảng Hạ Môn (Trung Quốc) đến Cà Mau. Nền chánh điện lát gạch Tàu chính hiệu, màu đỏ.

Chính diện của hậu cung, nơi trang trọng nhất là trang thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tượng Bà sơn son thiếp vàng, áo mão màu vàng lộng lẫy. Phía dưới áng thờ Bà là bàn thần Hổ. Tượng Hổ bị ám khói hương lâu ngày ngả màu vàng đen nhưng cũng thấy được các nét chạm, khắc tinh vi.

Trong và ngoài nội điện không thấy sự hiện diện của tín ngưỡng thờ Phật. Điện thờ và các kết cấu gỗ khói hương lan tỏa lâu ngày đã bám đen, tuy nhiên vẫn còn nhìn thấy được các phù điêu, chạm trổ, sơn khắc hoa văn.

Không có cứ liệu để khẳng định chính xác niên đại xây dựng, nhưng trong đền lưu giữ quả chuông đồng lớn, ghi niên đại Quang Tự thứ XVIII (ứng với năm 1897). Các tấm bảng (bằng đồng, bằng đá) ghi rõ họ, tên những người đóng góp tiền bạc, vật liệu xây dựng để trùng tu ngôi đền vào năm Quý Mão (1903) và năm thứ 17- Trung Hoa dân quốc (1928).

Theo những người lớn tuổi, đền thờ ban đầu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam xây dựng bằng cây lá ở bên sông Cà Mau (khu vực Kim hoa viên hiện nay). Sau bị sạt lở, Hội quán người Hoa bang Phước Kiến góp tiền xây dựng lại tại vị trí hiện tại.

Kiến trúc cơ bản còn lại đến ngày nay là từ lần đại trùng tu và xây dựng mới năm 1903. Cũng như trong chùa chiền của người Việt, người Khmer, kiến trúc, hội họa, điêu khắc ở đây đều không để lại tên tác giả, nghệ nhân nào.

Đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu là cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu nhất trong hệ thống đền thờ bà Mã Châu ở Cà Mau. Ngôi đền và tín ngưỡng thờ Bà có ảnh hưởng rộng, không chỉ người Hoa mà ra cả cộng đồng người Việt, người Khmer. Hằng năm vào ngày 23/3 âm lịch là lễ vía (sinh nhật Bà) có rất đông bà con quanh vùng đến cúng vái, xin xăm cầu mua may, bán đắt./.

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT