Dân dã hương vị chuối rừng
Sau khi hái chuối đem về, ta tước bỏ phần bẹ ngoài, xắt lát mỏng vừa ăn ngâm vào nước đã pha chanh cho trắng. Thường canh chuối được nấu với những con cá mới bắt ngoài suối. Chúng ta đem làm sạch cá, sau đó rán nhẹ trên lửa nhỏ cùng với hành khô thái mỏng. Vớt cá ra, tiếp tục cho chuối xắt mỏng vào nồi xào, chế nước đun sôi. Sau đó để lửa rim cho chuối chín mềm mới bỏ cá vào.
Thêm một chút nước mắm và lá lốt để “dậy” mùi. Vài phút sau đã thoang thoảng mùi thơm của cá, mùi lá lốt ngai ngái. Khi ăn, không quên cắn phựt một miếng ớt rừng. Cái ngòn ngọt của cá, chan chát của chuối, lẫn vào vị cay nồng của ớt khiến món ăn cảm thấy thật tuyệt vời.
Giống như các loại rau rừng khác, chuối cây còn có thể xào làm món ăn hằng ngày. Chỉ cần bắc chảo lên phi thơm dầu cùng hành tỏi, đổ chuối xắt mỏng vào xào, nêm gia vị. Cho thêm ít rau răm, hành, ngò, tiêu lên trên để tăng tăng thêm phần quyến rũ cho đĩa xào. Chuối rừng xào có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại rau nào khác.
Ngoài ra chuối rừng có thể làm rau sống ăn cùng cơm, mì đều ngon và được nhiều người ưa thích. Rau chuối tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm. Để tận hưởng hết vị thanh ngọt của rau chuối rừng, thường người ta chọn những cây chưa trổ buồng để lấy lõi non. Lõi non thân cây chuối được rửa sạch, xắt mỏng, băm nhỏ.
Trong khi băm, các mẹ, các chị còn lấy bớt nhựa chuối để loại bỏ bớt vị chát. Bưng bát cơm hay tô mì trên tay, ngó những lát non chuối trắng tinh tưởng chừng như không thể chờ thêm được nữa rỗi.