Non nước Việt Nam

Ẩm thực của người Thái Mường Lò

Cập nhật: 24/03/2011 09:03:42
Số lần đọc: 2638
Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trong cộng đồng người Việt đều có bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực là một trong những lĩnh vực độc đáo. Đối với người Thái ở Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ), sống trên vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những sản vật tự nhiên, vì vậy từ xa xưa, họ đã tích lũy, xây dựng được cho mình một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn.

Các dịp đầu năm (tết Nguyên đán), rằm tháng Giêng, tết Síp xí (rằm tháng Bảy) hay lễ mừng cơm mới... là những ngày tết lớn trong năm của người Thái, cũng là dịp để đồng bào nghỉ ngơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Họ sẽ mở hội, tổ chức vui chơi, cúng khấn thần linh, các ma nhà... phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

 

Có thể nói, đối với người Thái ở Mường Lò, việc làm những mâm cơm cúng và những món ăn trong dịp lễ, tết là đặc biệt quan trọng. Họ tổ chức chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng những loại nguyên liệu riêng, các loại gia vị, gia giảm độc đáo và mang đặc trưng phong tục tập quán của dân tộc mình với mong muốn dâng cúng cho tổ tiên, thần linh những thức ăn ngon nhất, đẹp nhất để tỏ lòng thành kính.

 

Trong các mâm cơm cúng tế đều có món “Khẩu cắm” (cơm nhuộm màu), được nấu từ gạo trắng rồi nhuộm các loại màu: xanh, đỏ, tím, vàng (khẩu cắm khiêu, khẩu cắm lanh, khẩu cắm lăm, khẩu cắm lương...), màu của “khẩu cắm” đều được chiết xuất từ những loại cây, lá, dược thảo tự nhiên nên không hề có hại cho sức khỏe của người thưởng thức. Theo phong tục của họ, 5 màu này thể hiện cho các màu của tất cả các đồ vật trên thế gian. Vì vậy, họ muốn dâng tặng mọi thứ của trời đất mà con người có được cho tổ tiên, thần thánh. Mặt khác, nó còn có ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ tới cội nguồn, hướng về tổ tiên...

 

Ngoài “khẩu cắm”, ngày lễ, tết của người Thái ở Mường Lò bao giờ cũng phải có các loại bánh, nó gắn liền với lễ hội và ngày tết như một biểu tượng về văn hóa. Vì vậy, nói đến “Pảnh Síp xí” (bánh Síp xí) là người ta nghĩ ngay đến tết Síp xí, đặc biệt, dịp tết Nguyên đán thì không thể thiếu “khẩu tổm” (bánh chưng).

 

Cũng tương tự như vậy, “mọk” (xôi tổng hợp) là món ăn quan trọng trong tết Nguyên đán, món này trước được dùng để cúng tổ tiên, sau đó mời bạn bè, anh em cùng thưởng thức. Trong số các loại “mọk” thì “pa Mọk” (xôi cá) được coi là món phổ biến và cũng thơm ngon nhất. Ngoài cá là nguyên liệu chính còn có hoa chuối, hành, gừng, tỏi, sả, ớt, hạt sẻn, các loại rau thơm và bột gạo nếp... Đặc biệt, loại cá làm món “pa mọk” ngon nhất là cá xỉnh (pa khính) và cá khuy - đây là những loại cá nhỏ ăn rêu đá, được bắt tại các con suối chảy quanh vùng Mường Lò.

 

Hấp dẫn và cũng đặc biệt không kém là món “nhứa xổm” (nem chua). Mỗi dân tộc có một phương pháp làm món này khác nhau, với người Thái, họ làm nem chua bằng phương pháp muối chua thịt lợn nạc cùng thính gạo rang trộn với muối, hạt sẻn hoặc hạt dổi... gói bằng lá dong rồi treo trên gác chạn trong khoảng 5 ngày. Đây là món ăn khoái khẩu của đàn ông dân tộc Thái trong các bữa nhậu vào dịp lễ, tết.

 

Gần giống “nhứa xổm” là món “pà” (thịt tái chua), đây là món ăn được chế biến gần giống nem chua, cùng nguyên liệu và cách thức nhưng được ăn ngay mà không phải đợi lên men. Món này đối với người lần đầu tiên tiếp xúc thì phải mạnh bạo lắm mới dám ăn vì được chế biến từ thịt sống, chỉ làm chín bằng thính trong khoảng 1 giờ đồng hồ, được ăn kèm với một số loại lá cây. Tuy vậy, theo đồng bào Thái thì món “pà” rất tốt cho đường tiêu hóa và còn có thể chữa được bệnh tiêu chảy.

 

“Nhứa giảng” (thịt sấy hay còn gọi là thịt hun khói) là món ăn quanh năm của đồng bào dân tộc Thái. Tuy vậy, những ngày lễ, tết mới thực sự là quãng thời gian món ăn này được làm nhiều nhất. Vùng Tây Bắc có rất nhiều đồng bào các dân tộc như Mông, Tày, Dao... đều làm món ăn này, nhưng mỗi dân tộc có cách chế biến, ướp tẩm gia vị và thời gian sấy khác nhau. Món “nhứa giảng” của người Thái được làm từ thịt sống của các loại gia súc như trâu, bò, lợn để cả miếng to ướp với rượu gạo, gừng, hạt sẻn...

 

Khi thịt đã ngấm gia vị sẽ được buộc lạt treo lên gác bếp để hong khói, dần dần thịt sẽ khô, chín do sức nóng của gia vị tẩm ướp và của khói bếp củi quanh năm đỏ lửa, sau khoảng 2-3 tháng là có thể ăn được. Khi ăn, người ta phải chế biến lại một lần nữa bằng cách nướng trên bếp than củi hoặc vùi trong tro bếp nóng, sau đó dùng chày gỗ đập dập, xé tơi nhỏ...

 

Ngoài những món ăn kể trên, ngày lễ, tết của người Thái còn rất  những món nữa như: “pỉnh tộp” (cá chép nướng), “lượt tả” (tiết canh), “nhứa mản” (thịt xiên nướng), “nhứa pỉnh phặc phằm” (thịt băm gói lá dong nướng), “côống sượng” (lạp sường), “cỏi nhứa mu” (gỏi thịt lợn), “rốik mu” (rồi lợn), “hắm pết” (tiết canh vịt)... Đó đều là những món ăn rất độc đáo, mỗi món có vị ngon riêng nhưng tựu chung lại đều phản ánh sự đa dạng cũng như những nét văn hóa phong phú trong phong cách ẩm thực ngày tết của người Thái vùng Mường Lò Yên Bái.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT