Non nước Việt Nam

Độc đáo cách tìm bạn đời của người Xá Phó ở Lào Cai

Cập nhật: 29/03/2011 07:46:23
Số lần đọc: 2191
Hôn nhân là một công việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi con người, của gia đình, dòng họ, nhưng ở mỗi tộc người, họ lại có cách tiếp cận, thổ lộ tình cảm với người mình yêu một cách khác nhau.

Có thể là thông qua tiếng sáo véo von lưng chừng núi gọi bạn tình, tiếng khèn vang vọng buổi sớm mai, tiếng đàn môi thầm thì giữa đêm khuya; khúc hát dân ca ngọt ngào của các chàng trai, cô gái Mông; cũng có thể là tiếng kèn pí lè rộn rã trong các lễ hội của người Dao, người Phù Lá và điệu múa xoè uyển chuyển của các chàng trai, cô gái người Tày, người Nùng; sự e ấp, kín đáo và tinh tế của người Xá Phó... tạo nên những nét văn hóa đặc trưng trong lễ thức tìm hiểu của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Theo phong tục truyền thống của người Xá Phó, cứ vào khoảng thời gian tháng 8 âm lịch hàng năm, ở các bản làng của người Xá Phó, các chàng trai, cô gái chưa vợ, chưa chồng lại cùng nhau dựng lên một chiếc lán là nơi vui chơi, giao lưu, gặp gỡ. Ban ngày, các cô gái thường đến đó để xe tơ, dệt vải thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình trên từng đường kim, mũi chỉ trước những bạn trai, còn những bạn trai đáp lại bằng sự khéo léo trên các sản phẩm đan lát. Phút giây mà các chàng trai, cô gái mong đợi nhất là khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa hồng, các chàng trai, cô gái cùng ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, cười đùa vui vẻ, thổ lộ tình cảm của mình với người mình yêu. Lúc đầu, họ ngồi quây quần thành từng tốp cho đến khi màn đêm đã dần về khuya, những người yêu nhau dần tách ra từng đôi, ngồi ở các vị trí khác nhau dưới mái lán để tâm tình, thổ lộ tình cảm của mình với người mình yêu. Ánh lửa bập bùng huyền ảo như thắp sáng thêm ngọn lửa tình yêu đắm say, nồng nàn của những người đang yêu. Họ gặp nhau rồi lại chia tay trong sự bịn rịn, nhớ thương và cùng hẹn ngày gặp lại vì theo phong tục của người Xá Phó, chỉ vào những ngày hội của làng, các cô gái mới được tự do đi chơi với người bạn tình dưới ánh trăng mà không bị lời dị nghị, dèm pha hay ngăn cản của bố mẹ và những người trong làng.

Khi đã có tình cảm với một cô gái nào đó, chàng trai sẽ tìm cách tiếp cận như khi đi làm nương cùng nhau, chàng trai sẽ tìm chỗ làm gần với vị trí của cô gái để thăm dò xem cô gái đó có ưng mình không, nếu cô gái không chạy sang chỗ khác làm nghĩa là đã có cảm tình với chàng trai, nhưng họ rất ít khi trò chuyện hay tâm tình bằng những lời lẽ ngọt ngào. Một phần cũng bởi sự e dè buổi ban đầu gặp gỡ, phần vì sợ người khác để ý nên chỉ gửi gắm tình cảm cho nhau qua ánh mắt, cử chỉ, hành động và cố đợi khi màn đêm buông xuống. Chàng trai mang cây đàn bầu đến nhà, ngồi gần buồng cô gái, ngồi gẩy thổ lộ tình cảm. Nghe tiếng đàn thiết tha của người yêu, nhưng cô gái vờ như không biết để thử lòng chàng trai. Sau một thời gian, bố mẹ cô gái sẽ mở cửa cho chàng trai bước vào trong nhà, nhưng chàng trai không được đến gần chỗ cô gái nằm, mà sẽ tự đi tìm một chỗ nào đó trong nhà nằm ngủ. Đến khi gà cất tiếng gáy đầu tiên, người con trai dậy lấy củi nhóm bếp đun nước rồi lặng lẽ ra về với bao điều hồi hộp, chờ đợi và hẹn gặp nhau vào buổi sớm mai, họ lại cùng nhau đi làm như hai người bạn. Nhưng đến giờ nghỉ trưa, chàng trai sẽ mang nắm cơm đến gần chỗ cô gái, chia cho cô gái một phần cùng ăn, nếu cô gái chưa nhận lời yêu sẽ từ chối.

Tối đến, chàng trai tiếp tục đến nhà cô gái ngủ qua đêm đợi khi trời sáng lặng lẽ ra về, đây là hình thức mà các cô gái người Xá Phó thử xem chàng trai đó có thật lòng yêu thương mình không. Chàng trai càng thể hiện sự nhiệt tình, kiên trì của mình bao nhiêu thì càng được cô gái và gia đình quý mến. Sau một thời gian, khi đã chiếm được cảm tình của cô gái, chàng trai sẽ chọn một ngày tốt thường là ngày Thìn "nùng", ngày Tuất "sinh" vào rừng chọn lấy một cây mai đẹp, không cụt ngọn về chẻ nan, đan thành một chiếc giỏ để tặng bạn gái.

Người Xá Phó kiêng chặt cây cụt ngọn vì sợ tình yêu giữa hai người sẽ không đi đến hôn nhân, bị đứt gánh giữa đường. Ngay cả khi đi chặt cây, chàng trai cũng phải kiêng không để chân vấp vào đá để tránh những rủi ro, trắc trở về tình cảm giữa hai người. Hàng ngày, khi đi làm nương, chàng trai thường mang theo dao, đợi khi nghỉ giải lao vót chau chuốt từng sợi nan làm ra sản phẩm đẹp nhất để tặng người yêu như một vật đính ước giữa hai người. Cô gái ưng thuận sẽ nhận đồ vật mà chàng trai đan tặng, còn không, cô gái sẽ cương quyết từ chối không nhận.

Sau một thời gian, chàng trai sẽ đan một chiếc gùi, một chiếc giỏ nhỏ để cô gái đựng kim chỉ rồi nhờ hai người con gái đại diện cho gia đình nhà trai mang sang nhà gái để làm lễ dạm hỏi. Khi mang đến nhà gái, hai đồ vật được đặt ở ngoài cửa phụ dành cho phụ nữ qua lại, không được mang vào trong nhà, rồi hai người trở về. Về nhà khoảng từ 3 - 5 ngày, chàng trai sẽ chú ý xem cô gái có sử dụng những đồ vật mình mang sang không, nếu không thấy sử dụng mà gia đình nhà gái nhờ người mang sang trả, có nghĩa là cô gái không đồng ý lấy người con trai này, đợi một thời gian, chàng trai lại tiếp tục mang sang mà cô gái vẫn từ chối thì có nghĩa là cuộc hôn nhân giữa hai người không thành. Còn nếu không thấy gia đình nhà gái trả lại, có nghĩa là họ đã ưng thuận cho chàng trai và cô gái tiến tới hôn nhân. Gia đình nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật và nhờ ông mối, bà mối tiến hành các bước tiến tới đám cưới chính thức.

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ, các chàng trai, cô gái người Xá Phó có nhiều cơ hội, gặp gỡ, giao lưu hơn để chọn cho mình một người bạn đời tâm đầu, ý hợp, nên các lễ thức tìm hiểu cũng đã có sự biến đổi nhiều so với trước đây.

Nguồn: website báo Lào Cia

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT