Non nước Việt Nam

Tái hiện Lễ tế Xã Tắc tại Huế

Cập nhật: 21/03/2011 08:40:05
Số lần đọc: 2608
Tối 20/3, lễ tế Xã Tắc tại Huế đã được tái hiện với đầy đủ nghi thức: Đoàn Ngự đạo xuất cung, tế lễ ở đàn Xã Tắc và đoàn Ngự đạo hồi cung. Lễ tế quy tụ 550 diễn viên; cùng với hai con voi, bốn con ngựa tham gia đoàn ngự. Đây là lần thứ tư lễ tế Xã Tắc tại Huế được tái hiện.

Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống vô cùng quan trọng ở nước ta nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình. Các triều đại độc lập ở Việt Nam, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành lễ tế Xã Tắc vào mùa xuân hàng năm và luôn xem đây là quốc lễ. Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong kinh thành Huế. Lễ tế Xã Tắc với tính chất một lễ hội cung đình cũng đã được nghiên cứu và phục hồi thành công, trở thành một nét văn hóa độc đáo của Thừa Thiên Huế.

Lễ tế Xã Tắc ở Huế có hai phần: phần một là phần phục dựng các hình thức nghi lễ (có tính chất trình diễn) và phần hai là phần dành cho mọi người dâng hương. Nghi lễ được nghiên cứu và phục dựng rất bài bản, công phu, mục đích nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, Nhã nhạc, Múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hóa nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa. Phần sau là dành cho người dân đến để dâng hương, ước nguyện cho mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, cuộc sống thanh bình. Lễ tế Xã Tắc vì thế đã được xã hội hóa tối đa để trở thành một lễ hội cộng đồng, trong đó, người dân được xem là chủ thể tinh thần của lễ tế.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT