Non nước Việt Nam

Độc đáo huyền thoại và văn hóa cà phê Tây Nguyên

Cập nhật: 15/03/2011 14:54:23
Số lần đọc: 3120
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III/2011, trong ngày 11/3/2011, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt diễn ra lễ khai mạc trưng bày những hiện vật Bảo tàng Cà phê và triển lãm ảnh nghệ thuật về cà phê, du lịch Đắk Lắk, lịch sử Đồn điền cà phê CADA (Compagne Argicole D’asie-Công ty Nông nghiệp Á châu) và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.

Thu hút rất đông người xem là khu vực trưng bày Bảo tàng Cà phê do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên thực hiện. Nhiều hiện vật phong phú liên quan đến chế biến, rang xay cà phê bằng phương thức thủ công truyền thống lâu đời đã đi vào huyền thoại cà phê thế giới như: Máy pha chế cà phê, máy rang cà phê, ca múc cà phê bằng đồng, máy xay cà phê treo tường bằng sứ, bình sứ chứa cà phê... của các nước Costa Rica, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia, Italia...

Tại khu vực triển lãm tổng hợp với 4 nhóm chuyên đề chính bao gồm: Lịch sử đồn điền cà phê CADA; âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên; ảnh thời sự-nghệ thuật về cà phê, văn hóa lễ hội và du lịch Đắk Lắk; ngoạn thạch vi ảnh đã tạo thành một không gian văn hóa-nghệ thuật đậm nét huyền sử cà phê Tây Nguyên.

Ban tổ chức cho biết: Chỉ riêng chuyên đề về “Lịch sử đồn điền cà phê CADA” đã có 100 hình ảnh và 137 hiện vật được chia theo 3 chủ đề chính: “Dấu ấn một thời”, “Chặng đường phát triển”, “Uống nước nhớ nguồn”. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày chủ yếu là công cụ sản xuất, sinh hoạt của công nhân đồn điền từ thời Pháp thuộc và giai đoạn sau năm 1975. Đồn điền CADA là một trong những đồn điền ra đời sớm bởi quá trình khai thác thuộc địa lần thứ II của Pháp ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng (năm 1922) với diện tích ban đầu 2.000 ha.

 

Một nét không thể thiếu của văn hóa-nghệ thuật Tây Nguyên là âm nhạc cồng chiêng. Chuyên đề này thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi 188 bức ảnh và hiện vật được trưng bày, trong đó có 87 hình ảnh về cồng chiêng Tây Nguyên những năm 40, 50, 60 của thế kỷ XX do người Pháp chụp và hiện được lưu giữ tại Pháp; số còn lại thuộc Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam.  

Nguồn: website báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT