Non nước Việt Nam

Chọi Gà – Trò chơi dân gian trong ngày hội

Cập nhật: 08/03/2011 10:03:50
Số lần đọc: 7925
Chọi gà không chỉ là một trò chơi dân gian trong ngày hội, mà còn là một thú vui chơi thông thường của nhiều người ở đô thị cũng như nông thôn. Để có được con gà chọi hay, đòi hỏi người chơi phải đầu tư công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập…

Gà đá quan trọng nhất là tông mái, người chủ có gà mái nòi không bao giờ bán mà họ chỉ tặng, biếu cho người thân để giữ giống. Những con gà chịu đòn giỏi, sức bền, có nhiều thế độc là do gà mẹ di truyền. Gà nòi cha cũng quan trọng, gà cha cũng phải tài, ăn nhiều độ, chưa thua thì mới sinh ra được gà tài, gà hay. Thường một đàn gà con khi tuyển chọn cũng chỉ được một, hai con gà tài. Chọn gà tài trước tiên là xem hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 5 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường. Mỏ to thẳng, miệng rộng; đầu mồng dâu; mắt chữ điền; cổ to, dài, thẳng; lưng rộng, cánh dài. Đùi to, phần đùi dài hơn phần cán. Chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng - khô. Tuy nhiên, ông cha xưa thường nói "dị kỳ tướng tất hữu kỳ tài", cũng có trường hợp gà có dị tật nhưng lại có tài. Về chọn màu lông, nếu chọn được gà tía ngũ sắc (năm màu lông) là gà tốt. Ngoài ra, con gà nào gáy 7 tiếng trở lên nhưng gáy giật từng tiếng, đó cũng là “thần kê”. Người sành chơi còn chọn gà khi ngủ, gà ngủ trên cây thòng đầu xuống đất, hoặc ngủ dưới đất trải dài cổ, xoãi cánh là kiểu "ngủ đầu xà", gà này thuộc loại hiếm quý. Nhưng quan trọng nhất trong gà đá là đòn và thế. Gà đi dưới thì luồn lách đâm lườn, xỏ vỉa hoặc đá mé hầu. Một số đòn thế khác như đá khấu, mé, cần ba, quăng chân không cũng là những đòn thế hiểm. Gà chạy kiệu cũng là loại gà tài, khi xáp trận, gà kiệu chỉ tranh đá đối phương một vài hiệp rồi bỏ đối phương chạy vòng theo di (mành), đối phương chạy theo thì quay lại đá tạt vào mặt khiến đối phương phải đui mắt hoặc gãy mỏ. Song quý nhất trong giao đấu là loại gà biết sinh thế, bất kỳ các loại thế nào của đối phương cũng ứng tác để trừ và sinh thế khác đánh trả...

 

Chăm sóc gà đá rất khó, đòi hỏi sự kiên trì. Khi cho ăn cần treo lên cao để gà phải nhón chân, gà sẽ đá hay hơn. Thức ăn cho gà là lúa đã được đãi sạch, đôi khi cho ăn thêm mồi có thể là thịt bò, tép, lươn. Ngoài ra, cho ăn thêm giá hoặc cà để gà mát đá đòn mạnh.

 

Chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng trong các hội làng./.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT