Lễ hội dâng hoa Măng của người La Ha: Kho báu nghi thức và nghệ thuật độc đáo
Dân tộc La Ha, dân số không đông, chủ yếu định cư ở Sơn La-Lai Châu, ở Sơn La chỉ có mấy ngàn người nhưng ở rải rác ba huyện phía Bắc, ven sông Đà là Mường La, Quỳnh Nhai và Thuận Châu, cuộc sống khó khăn vì chỉ trồng cấy trên nương. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8 vừa qua, người phụ nữ La Ha-cử nhân Lò Thị Nụ đã được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội của mình khi bà là Phó giám đốc Ngân hàng phục vụ người nghèo, nay là Ngân hàng chính sách xã hội Sơn La.
Bà con La Ha Tây Bắc vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng, hàng năm vẫn có những lễ hội tiêu biểu, trong đó có lễ hội "Dâng hoa măng" (Pang-A-Nụu ban) giản đơn, ít tốn kém mà bao hàm nhiều ý nghĩa.
Lễ hội này được hình thành từ thực tiễn cuộc sống khó khăn, và tổ chức vào mùa xuân hàng năm khi cây măng vầu đắng đội đất mọc lên, khi cây "mạ rế" trong rừng nở hoa vàng đỏ. Cả 2 loại này đều là loại "dược liệu" quý mà các thầy lang bản địa ngày xưa dùng để "cứu nhân độ thế" cho dân bản, khi các hoạt động y tế hiện đại chưa có, cuộc sống dựa vào nhiều kinh nghiệm để tìm thuốc chữa bệnh, hình thành đội ngũ thầy lang chữa bệnh từ bình thường đến các bệnh nặng.
Lễ hội Dâng hoa măng trước tiên là để tỏ lòng cảm tạ, tri ân thầy lang có công vì sức khỏe cộng đồng, thứ đến là "tổng kết" khả năng cứu chữa bệnh tật của thầy lang, rồi là truyền lại cách thờ cúng tổ tiên cho con cháu. Lễ hội còn là dịp đầu xuân năm mới, việc trên nương chưa nhiều, việc dưới ruộng không có, để con cháu, bà con bản dưới mường trên gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, và tiếp nhận nền văn hóa các dân tộc anh em khác trên địa bàn.
Lễ hội Dâng hoa măng được tổ chức vào trước ngày rằm hàng tháng trong ba tháng mùa xuân với sự tham gia tự nguyện của các con bệnh được thầy lang chữa khỏi bệnh, ngày khai lễ hội do thầy lang quyết định được thông báo cho làng bản gần xa, chính quyền sở tại được biết.
Thầy lang là người chủ trì chuẩn bị ngày hội về thủ tục, các loại con vật sống cần có trong lễ hội, các loại hoa rừng trang trí và các dụng cụ cần thiết khác, để tổ chức tại nhà thầy lang.
Khi đã cúng xong, thầy lang cho các con nuôi về dâng lễ, cúng mời các vị thần mà dân tộc La Ha che chở cho người La Ha trường tồn, để có được sức mạnh như Thần Hổ-chúa Sơn Lâm thắng mọi dã thú, bảo vệ cuộc sống cho dân bản. Con nhím là thần đất, phải cúng nó để gây cảm tình, để nó không phá cắn lúa; phải mời về ăn nó sẽ bảo vệ thành quả lao động của mình, sống lâu, vững chắc như tảng đá lớn. Là con chim cu gáy-thần của các loài chim hay ăn lúa trên nương cũng phải cúng nó, để bảo vệ lúa nương cho mình. Cuối cùng là cúng con ma cang cói, một thú rừng to như con mèo, dân tộc nào ở miền núi cũng sợ nên phải cúng nó để nó không quấy rầy sức khỏe nhân dân.
Cúng các thần xong, thầy lang biểu diễn các trò mà ông đã chữa khỏi cho "bệnh nhân". Ông giả làm người bị bướu cổ khi buộc cái bát ăn cơm vào cổ mình. Ông diễn các trò làm người què chân, người ngớ ngẩn, hình ảnh người đi coi nương vung cây sào, hú đuổi lũ chim, sóc cút khỏi nương nhà. Cuối cùng là trò giả làm con khỉ (tô rôốc), ông bò quanh cây móc giữa nhà, vừa bò, vừa kêu chí chóe, mắt đảo nhìn rất nhanh, để tìm hoa, ngô, chuối lộc ở cây móc, lúc thì gãi tai, gãi bụng, lúc thì nhảy nhót, chộp lấy bắp ngô. Một tiếng súng nổ, ông giả lăn đùng ra chết, nhiều tiếng cười vang khen người thiện xạ.
Khi màn độc diễn của thầy lang kết thúc, dân bản vào ngay màn múa "tăng bu", một điệu múa độc đáo của người La Ha, rộn ràng mạnh mẽ, đạo cụ chỉ là 1 ống tre trổ xuống tấm ván theo nhịp "chát chát", tay lúc vung ra sau, khi thì 2 tay cầm ống tre nghiêng sang bên trái, nghiêng sang bên phải, múa say sưa, đặc biệt phụ nữ múa rất mềm dẻo, khỏe khoắn, linh hoạt. Điệu múa này đã được các đoàn "văn công" chuyên nghiệp dàn dựng trình diễn nhiều nơi, được khán giả ngoại tộc hoan nghênh từ khi giải phóng Tây Bắc.
Sau tăng bu, là các điệu múa cày bừa, cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống. Cuối cùng là điệu múa "A sừng lừng", một điệu múa độc đáo ở miền núi nhiều nơi, tuy về hình thức có vẻ thô tục, nhưng lại xuất phát từ thực tiễn cuộc sống quá nghèo thuở xưa, nạn hữu sinh vô dưỡng rất phổ biến, người La Ha nghĩ ra phải thờ "dương vật" để hy vọng người La Ha con đàn cháu đống, mẹ tròn con vuông.
Lễ hội Dâng hoa măng của người La Ha vẫn tồn tại đến ngày nay, phần lễ là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, sông núi luôn phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, phần hội thì sôi nổi, vui vẻ, tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng vẫn thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt khác hẳn các dân tộc anh em khác trên địa bàn. Lễ hội lành mạnh, vui vẻ, là dịp gặp gỡ dân tộc có quy mô rộng để ôn lại truyền thống, trao đổi thông tin kinh nghiệm làm ăn, chữa bệnh để cùng nhau phát triển cùng 11 dân tộc anh em khác đang ở trên địa bàn Sơn La.