Thổi cơm thi – Nét sinh hoạt văn hóa dân gian
Nét độc đáo trong cuộc thi là phải nấu cơm trong điều kiện chuyển động liên tục, nồi cơm và bếp nấu cơm phải gánh trên vai. Các làng thường tổ chức chơi từng đôi một (thường là một nam, một nữ). Khi bắt đầu cuộc thi, mỗi đội được phát năm cây mía dùng thay cho củi. Khi tiếng trống lệnh vang lên là lúc cuộc thi bắt đầu. Một người thì gánh bếp còn người kia thì tước mía và nhai cho kiệt nước để làm củi nấu cơm. Vừa nấu cả hai người vừa đi vòng quanh sân đình, có nơi còn quy định phải đi theo nhịp trống. Có nơi còn tổ chức thêm phần thi luộc gà, đằng trước thì nấu cơm, đằng sau thì luộc gà. Khi tiếng trống lệnh dứt hồi, báo hiệu cuộc thi kết thúc, tất cả những người tham gia phải dừng lại, mang nồi cơm mình nấu đến cho ban giám khảo chấm điểm. Nhóm nào cơm chín dẻo, trắng đều, cơm ngon và không bị khô nát; gà luộc không nhũn, thịt trắng, không bị nứt da và xong trước thì thắng cuộc. Cơm của đội thắng được dâng lên cúng thành hoàng làng. Có nơi tổ chức thi nấu cơm trên thuyền thúng (thuyền nan) ở ao làng. Mỗi người một thuyền, kiềng, rơm, bã mía tươi và trang bị khác giống nhau. Sau khi có hiệu lệnh, các đội bơi thuyền ra giữa ao. Cái khó khi nấu ở trên thuyền là cách xử lý trong tình huống bếp nấu ở trên thuyền bồng bềnh, gió lộng, củi lửa lại khó cháy…
Ở nhiều hội thi thổi cơm còn có đội chèo hát múa phụ hoạ, có anh hề chèo chạy lăng xăng vừa hát, vừa diễn trò và cổ động cho các nhóm thi tạo nên không khí vui nhộn và những tiếng cười sảng khoái trong những ngày hội làng./.