Hoạt động của ngành

Cơ hội phát triển du lịch làng chè ở Thái Nguyên

Cập nhật: 30/03/2011 08:30:41
Số lần đọc: 2483
Sản phẩm "Đệ nhất danh trà" của Thái Nguyên được xem như một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi các sản phẩm "Chè Thái" luôn bao hàm trong đó cả những giá trị vật thể và phi vật thể. Không chỉ thế, các làng chè lại nằm giữa một vùng đa dạng về tài nguyên du lịch đó là điều kiện để Thái Nguyên phát triển một dạng đặc sắc của du lịch sinh thái, du lịch làng nghề đó là "Du lịch các làng chè".

Theo Tổng cục Du lịch: "Du lịch làng nghề đang là lựa chọn số một của du khách. Theo thống kê, lượng du khách chọn du lịch văn hóa làng nghề chiếm tới 60% trong tổng số 800 triệu du khách trên toàn thế giới". Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các làng chè Thái chắc chắn sẽ có được sự cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Thêm vào đó, hiện nay các công ty du lịch lữ hành ra đời ngày càng nhiều và luôn  tìm kiếm, khai thác những địa điểm, sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của miền đất và con người nơi vùng chè nổi tiếng và rộng thứ hai cả nước này hẳn sẽ là điểm khai thác mà các công ty du lịch lữ hành ngắm tới để hợp tác đầu tư.

 

"Festival trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011" là sự kiện lịch sử của tỉnh. Đánh dấu bước tiến quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, là dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm về sản xuất chè cùng sản phẩm trà. Đây là cơ hội để mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quảng bá về cây chè và các sản phẩm trà về các làng nghề trồng và chế biến chè, cũng như tôn vinh các doanh nghiệp chế biến chè, xuất nhập khẩu trà; tạo cơ hội tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch

 

"Festival trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011" sẽ có sự tham dự của 34 tỉnh, thành trong cả nước; một số nước là thành viên của Hiệp hội chè thế giới… Thời gian diễn ra Liên hoan tới 4 ngày, bên cạnh 6 hoạt động chính còn có 6 hoạt động phụ trợ mà trong đó "du lịch về nguồn", "du lịch sinh thái làng chè" là những chương trình đầy hấp dẫn và thu hút du khách.

 

Được biết, nhiều vùng chè trong tỉnh đang ráo riết chuẩn bị những chương trình để tham gia Festival trà. Ngay từ đầu xuân Tân Mão, Tân Cương đã tổ chức Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” nhằm tôn vinh nghề truyền thống của vùng đất Tân Cương. Tân Cương cũng đang khẩn trương mở rộng nâng cấp đường xá, tân trang chợ chè, xây dựng nhà truyền thống chè Tân Cương và nhiều gia đình đang sửa sang nhà của cho khang trang hơn để sẵn sàng đón khách…

 

Làng chè La Bằng Huyện Đại Từ đang tập trung xây dựng thành điểm đến của khách du lịch. Tại đây, đang xây dựng vườn chè cổ và cải tạo, chỉnh trang, chăm sóc vườn chè của các xóm: Tiến Thành, Đồng Đình, Kẹm với diện tích 100ha, trong đó chọn xóm Tiến Thành là trung tâm. Cũng tại điểm trung tâm này, du khách có thể đi tham quan vườn chè an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, xem người dân thu hái chè, thăm vườn chè cổ, thưởng thức trà ngon và nghe người dân hát then với đàn tính, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương...

 

Huyện Võ Nhai đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dón du khách như chỉnh trang thị trấn Đình Cả, các khu du lịch hang Phượng hoàng, Suối Mỏ Gà, khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh… chuẩn bị các hoạt động văn hoá văn nghệ thể thao, triển lãm tranh ảnh về con người và vùng đất các làng chè Thái, tổ chức tuyển chọn các thí sinh ở các vùng chè trong huyện để dự thi "Hoa hậu xứ trà"... Một không khí náo nức chuẩn bị đang sôi động tại các làng chè, một hy vọng đã lóe sáng về tương lai phát triển của ngành chè và về một làng chè sẽ trở thành một điểm đến của du khách bốn phương.

           

Các chuyên gia du lịch nhận định, sự liên kết và chia sẻ lợi nhuận giữa hãng du lịch lữ hành với người dân làng nghề là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và phát triển du lịch làng nghề. Bởi chỉ khi người dân cảm thấy có lợi, thì họ mới yên tâm sản xuất, giữ nghề và có động cơ tích cực để tìm hiểu cách làm du lịch, từ đó mới biết làm du lịch.

 

Là loại hình "Du lịch làng nghề nông nghiệp" trước hết các địa phương cần vận động nhiều gia đình tham gia vào mạng lưới "Du lịch nhà vườn", sửa chữa nhà cửa để đón khách du lịch. Đây không phải là những căn nhà mới xây dựng với tiện nghi hiện đại mà là các ngôi nhà vốn có, được tu bổ cho hợp với tiêu chuẩn của hệ thống du lịch. Có phòng để tiếp khách, có phòng ngủ, bàn ăn và quan tâm đặc biết đến nguồn nước sạch và khu công trình phụ văn minh…

 

Làng du lịch cũng nên xây dựng một số công trình "Nhà nghỉ nông thôn" thiết kế kiểu nhà sàn… để có thể đón tiếp nhiều đoàn khách phương xa mong được sống trong khung cảnh khác lạ, êm ả, thơ mộng và ấm cúng của đồng quê Việt Bắc, khác với nơi đô thị ồn ả, náo nhiệt.

 

Mỗi làng chè cũng cần có "Quán ăn nông thôn" với các món ăn đặc sản địa phương, có "Quán nước" dưới gốc cây cổ thụ bên đường và sẵn sàng một ấm trà ngon đón khách thăm làng, có "cửa hàng" bày bán sản phẩm trà hảo hạng… Làng chè cũng cần có "Nhà truyền thống làng nghề", có đội văn nghệ quần chúng biểu diễn dân ca và các làn điệu múa dân tộc, có cả những cỗ xe ngựa đưa khách rong ruổi thăm đồi chè, thăm danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử trong vùng...

 

Điều hết sức cần thiết là người dân trong "làng du lịch" cần có thái độ giao tiếp nồng hậu, niềm nở và tự hào hướng dẫn khách du lịch tham quan làng quê mình. Du khách nước ngoài cần có nhiều thanh thiếu niên địa phương có trình độ ngọai ngữ nhất là tiếng Anh để họ được giao lưu thoải mái, được giới thiệu cặn kẽ để thỏa mãn sự hiếu kì…


Phát triển sản xuất chế biến chè kết hợp với phát triển mô hình du lịch làng chè chắc chắn sẽ mang lại "Lợi ích kép" cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi vùng chè đất Thái. Trong việc này sự "bắt tay" giữa Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà văn hóa - Nhà doanh nghiệp du lịch chắc chắn ngày càng chặt chẽ để cùng phát triển.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục