Hoạt động của ngành

Du lịch Thừa Thiên - Huế với sản phẩm thủ công truyền thống

Cập nhật: 03/07/2008 11:07:31
Số lần đọc: 2504
Huế được biết đến là một trung tâm văn hoá du lịch quan trọng của cả nước, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Huế là cố đô duy nhất còn bảo tồn gần như nguyên vẹn một tổng thể kiến trúc kinh đô cung điện, đền đài, lăng tẩm...của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hoá thế giới". Huế còn là thành phố nổi tiếng về những khu nhà vườn độc đáo, có nét văn hoá ẩm thực, có lễ hội văn hoá cổ truyền, các loại hình âm nhạc truyền thống mà nổi bật là Nhã nhạc cung đình Huế-Kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Đặc biệt Festival Huế - một lễ hội văn hoá lớn của quốc gia và có tầm quốc tế đã thể hiện được những nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam và các quốc gia tham gia lễ hội, cùng với việc xây dựng Huế là "thành phố Festial" thực sự trở thành một sự kiện văn hoá quan trọng thu hút du khách trong và ngoài nước.

"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hoá cao". Du lịch có tác động không nhỏ trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển nhất là các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, khách du lịch gắn liền tham quan-nghỉ dưỡng-mua sắm. Khi du lịch phát triển thì nhu cầu mua sắm tăng cao đòi hỏi ngành thủ công truyền thống phát triển theo để đáp ứng, ngược lại hàng thủ công truyền thống phong phú đa dạng sẽ tác động không nhỏ đến việc mua sắm của du khách.

Trong những năm qua việc thực hiện chủ trương xã hội hoá đã được lãnh đạo các địa phương quan tâm, bước đầu đạt được những kết quả như mong muốn, đa phần người dân nhất là người nghèo, thợ thủ công đã tìm cách khai thác lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du khách, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, mua sắm của khách du lịch đến Huế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Qua thống kê cho thấy hiện nay trên địa bàn thành phố Huế đã phát triển gần 1.000 cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, thu hút trên 6.000 lao động, bao gồm các ngành nghề: Mộc mỹ nghệ chạm khảm. Nghề khảm xương, khảm trai, sơn mài. Nghề thêu. Nghề đúc.Nghề mây tre đan lát. nghề chằm nón lá. Nghề kim hoàn. Nghề sản xuất giày dép da. Nghề may...Thành phố đã vận động được một số cơ sở đầu tư nghiên cứu sản xuất các mẫu hàng lưu niệm mới phục vụ khách du lịch. Đã có chính sách hỗ trợ vốn khuyến công cho một số HTX thực hiện dự án chuyển giao công nghệ mới. Nhiều mặt hàng thủ công truyền thống đã được cải tiến nâng cao chất lượng, có mặt trên thị trường trong và ngoài nước như: Mộc mỹ nghệ, đúc đồng, thêu tay truyền thống, mỹ nghệ chạm khảm, kẹo mè xửng, tôm chua...

Tuy nhiên hoạt động SXKD ngành hàng thủ công truyền thống trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa tạo được những chuyển biến lớn mang tính đột phá, giá trị sản xuất vẫn chưa cao, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đạt được như mong muốn, chưa thu hút được nhiều du khách đến tham quan, mua hàng lưu niệm. Vì vậy cần phải có các giải pháp để gắn kết giữa du lịch và tiêu thụ sản phẩm nghề thủ công truyền thống và để thực hiện vấn đề này cần phải:

-Có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, vốn khuyến công cho các doanh nghiệp có dự án mở rộng ngành nghề, đầu tư cải tiến thiết bị, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho công nhân. Có chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất và mặt bằng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các điểm tham quan du lịch, các trung tâm thương mại. Có chính sách miễn giảm thuế cho các đơn vị tham gia sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du khách.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước, tăng cường công tác tuyên truyền xúc tiến quãng bá trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là các tờ báo lớn trên thế giới để tiếp cận thị trường.

- Phối hợp giữa địa phương với các ngành: Công nghiệp, Thương mại, Du lịch, Văn hoá, Hải quan...để hỗ trợ ngành sản xuất ngành thủ công truyền thống trong công tác định hướng phát triển sản phẩm, mẫu mã, thị trường, thủ tục xuất khẩu,.... 

- Kiện toàn Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Huế để hoạt động có hiệu quả hơn, thành lập các Hội nghề như: Hội mộc mỹ nghệ, Hội đúc đồng..., để tăng cường tính đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển ngành hàng.

- Xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống, Xây dựng các chương trình tour tuyến tham quan gắn liền các làng nghề truyền thống để du khách nghiên cứu tiếp cận nét văn hoá đặc trưng truyền thống của địa phương nhằm tổ chức tiêu thụ tốt các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản của mình.

- Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm gắn với nghề thủ công truyền thống và nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng đối tượng khách du lịch. Quy hoạch, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống hiện có như: Làng nghề Phường Đúc, Làng thêu Thuận Lộc, Làng chằm nón Phú Cam...

Nguồn: website Huế

Cùng chuyên mục